Gỡ các điểm nghẽn đón nhà đầu tư
Trong nước - Ngày đăng : 02:59, 25/03/2021
TP.HCM có lực lượng kinh tế tư nhân hùng hậu với gần 400.000 DN, chiếm khoảng 1/3 số DN cả nước, là khu vực kinh doanh rất năng động, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố nói chung, cả nước nói riêng. Những năm qua, kinh tế tư nhân TP.HCM đóng góp 40% vào GDP của cả nước, 60% GRDP của Thành phố.
Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, nhiều năm qua TP.HCM đã theo đuổi mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới nâng cao vai trò quản lý nhà nước hiệu quả hơn, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan thì vẫn còn những điểm nghẽn phải giải quyết ngay, nhất là vấn đề về quỹ đất sạch cho phát triển hạ tầng, thương mại, nhà ở, khu công nghiệp.
"Thành phố có trên 209.000ha đất thì trên 100.000ha được quy hoạch là đất nông nghiệp nhưng không sản xuất nông nghiệp. Đó là sự lãng phí", ông Ngân nói. Do đó, ông đề nghị tới đây Thành phố sớm rà soát quy hoạch tổng thể, trong đó có quy hoạch về đất đai để chuyển mục đích sử dụng đất nông lúa thành quỹ đất phát triển giao thông, đất đô thị, đất công nghiệp và xây dựng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Một điểm nghẽn khác rất quan trọng, là vấn đề hạ tầng, logistics. Theo phản ánh của cộng đồng DN Thành phố, hiện nay họ phải gánh chi phí logistics rất cao, trong khi để giải quyết vấn đề này cần phải giải cho được bài toán về hạ tầng giao thông. Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu - Đường - Cảng TP.HCM cho rằng, nhiều năm qua dù đã được đầu tư, cải thiện khá nhiều nhưng hạ tầng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Thành phố.
"Chi phí logistics hiện nay cao vì hạ tầng xung quanh cảng không đáp ứng được ưu chuyển hàng hóa", ông Trường khẳng định và đưa ra ví dụ: "Riêng tuyến từ xa lộ Hà Nội xuống cảng Cát Lái phải đạt tối thiểu 2 chuyến xe container/ngày nhưng thực tế bình quân chỉ đạt từ 1,3-1,5 chuyến/ngày. Hiệu suất xe lăn bánh thấp trong khi nhà đầu tư vẫn phải chịu tất cả các loại chi phí từ tài xế, bến bãi, phụ phí, kéo theo chi phí logistics tăng. Riêng từ xa lộ Hà Nội xuống cảng Cát Lái thiệt hại khoảng 1 tỷ USD/năm do kẹt xe, thiệt hại trực tiếp là DN vận tải và DN logistics.
Từ thực tế trên, muốn thúc đẩy đầu tư, Thành phố phải điều chỉnh quy hoạch đô thị, phải đảm bảo giao thông đồng bộ, kết nối giao thông đường sắt đô thị, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển... Không chỉ kết nối hạ tầng giao thông trong Thành phố mà song song đó, cần giải quyết điểm nghẽn ở các cửa ngõ đi Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề về vốn đầu tư cũng là điểm nghẽn cần phải tháo gỡ nhanh. TP.HCM đã xây dựng đề án đề nghị Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho Thành phố từ 18% lên 23%. Đề án đã qua bốn vòng và còn hai vòng trước khi trình Bộ Chính trị và Quốc hội trong năm 2021 này. Khi tăng tỷ lệ điều tiết để lại cho Thành phố thì chắc chắn Thành phố sẽ có điều kiện đóng góp cho Trung ương nhiều hơn. Bởi theo tính toán của các chuyên gia, hệ số hiệu suất đầu tư công của TP.HCM khá cao, đạt 1:5, tức chi cho đầu tư công 1 đồng thì thu được 5 đồng. Hiệu suất này đã duy trì suốt hàng chục năm qua. Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM thu được 1.800.000 tỷ đồng, nhưng chỉ được chi khoảng 345.000 tỷ, như vậy hơn 1.400.000 tỷ đồng chuyển về Trung ương.
Khi Thành phố cải thiện môi trường đầu tư, cần phải chú ý thêm một vấn đề quan trọng nữa, đó là tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính. Trong cuộc làm việc với cộng đồng DN mới đây của lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhiều DN đã phản ánh họ đang gặp rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê. Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ bột mì (KCN Vĩnh Lộc, Bình Chánh) cho biết, từ tháng 6/2020 đến nay, công ty chưa thể hoàn thành thủ tục giấy phép xây dựng để mở rộng nhà máy cũng vì sự chậm trễ của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết giấy tờ. Theo ông Trần Em - Tổng giám đốc công ty TNHH Nhựa cơ khí và Thương mại Chấn Thuận Thành, khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty là việc hợp thức hóa mặt bằng sản xuất tại quận 6. Chấn Thuận Thành đã có sổ đỏ toàn bộ khu vực đất xưởng nhưng chưa thể xin được giấy phép xây dựng do vướng quy hoạch treo sân vận động đa chức năng của quận. Từ đó ảnh hưởng đến hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Cũng quan tâm đến các vấn đề về thủ tục hành chính, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp vẫn lo lắng nếu Thành phố không khắc phục kịp thời có thể sẽ mất dần tính cạnh tranh với các địa phương lân cận. Ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay, hiện các thủ tục hành chính tại các khu công nghiệp vẫn còn chậm, điều này khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến có khuynh hướng "di cư" đến các tỉnh thành lân cận vì "các tỉnh làm nhanh và rẻ hơn". Ông Việt Anh đơn cử việc xảy ra ở khu công nghiệp Hiệp Phước. Dù hạ tầng giao thông rất thuận lợi, gần cảng và đường cao tốc nhưng DN lại mất thời gian đến 2-3 năm để hoàn tất các thủ tục đầu tư, trong khi ở địa phương lân cận như Long An mất ít thời gian và chi phí hơn nhiều.
Rõ ràng, tháo gỡ nút thắt về môi trường đầu tư là nhiệm vụ sống còn để thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển. Trong Hội nghị "Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM năm 2021" do UBND TP.HCM tổ chức mới đây, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong một lần nữa khẳng định Chính quyền Thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của DN bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ, góp phần xây dựng môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng.
Cộng đồng DN rất kỳ vọng những cam kết này sẽ đi vào thực tiễn.