Bình Dương đẩy mạnh hợp tác đầu tư nước ngoài

Trong nước - Ngày đăng : 07:08, 25/03/2021

Đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Châu Âu, Bình Dương đã thu hút được hơn 50.000 doanh nghiệp từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bình Dương đẩy mạnh hợp tác đầu tư nước ngoài

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng: “Cách đây hơn 20 năm, từ một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng lạc hậu nhưng với quyết tâm đổi mới, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, kiên trì phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngày nay tỉnh Bình Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp và là một trong bốn địa phương nổi bật trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam. Đây là vùng có nền kinh tế phát triển nhất và lớn nhất cả nước, chiếm 45% GDP”.

Ông Mai Hùng Dũng cho hay: “Đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút được hơn 50.000 doanh nghiệp từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh; trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài; chiếm 9,1% vốn FDI của cả nước. Tỉnh đang tiếp tục thúc đẩy phát triển không ngừng phát triển TPTM, với các đề án lớn như Trung tâm thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương và Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi số, sản xuất thông minh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng cường kết nối Ba Nhà nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp”. 

Theo TS.Nguyễn Việt Long - Q.Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, cơ sở hạ tầng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút công nghệ sản xuất vào Việt Nam, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu. “Ở đây, cơ sở hạ tầng không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn là nguồn nhân lực. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nền tảng kết nối là điều tất yếu để dẫn đến việc nâng tầm cho cả chuỗi cung ứng và sản xuất. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò là người đại diện, tạo cơ chế khuyến khích ứng dụng và tăng cường kết nối “Ba nhà” (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường), với định hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và chú trọng vào xây dựng nguồn nhân lực” – ông Long nói. 

“Vấn đề thứ hai trong việc phát triển công nghệ tại Việt Nam là phải tạo được động lực để doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng trong việc đổi mới. Mà hệ thống cơ sở hạ tầng lại chính là phương tiện để thu hút doanh nghiệp nước ngoài, cập nhật công nghệ mới, để doanh nghiệp trong nước nỗ lực cải thiện, xanh hóa với mục tiêu đạt tiêu chuẩn thế giới và trở thành nhà cung ứng. WTC Thành phố mới Bình Dương cũng là một trong những ví dụ trong việc tạo ra động lực thúc đẩy, với vai trò tạo cơ hội tiếp cận công nghệ và kết nối chuỗi cung ứng, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo mang tầm khu vực”, ông Long nhấn mạnh.

 “Để đẩy mạnh hợp tác đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục nâng cao nhận thức, thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ, tạo nền tảng cho các cuộc đối thoại về thị trường công nghệ, sản xuất bền vững, giải pháp mới, vừa qua tỉnh Bình Dương đã tổ chức sự kiện Ngày Công nghiệp EU với nhiều chủ đề về sản xuất bền vững của Châu Âu tại Việt Nam” như sản xuất bền vững từ A-Z: Thực hành tốt nhất, động lực và thực tế; thực hành: “Vật liệu đóng gói và các bộ phận nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế” của Pandan Ltd, “Nhiên liệu thay thể từ chất thải” của Bảo vệ môi trường Palota”, bà Huỳnh Đinh Thái Linh-Giám đốc điều hành World Trade Center-Binh Duong New city cho biết. 

Lấy thực tiễn Việt Nam, tại sự kiện, ông Antony Taing- Giám đốc điều hành Công ty TNHH RKW Việt Nam cũng sẽ phân tích việc xây dựng năng lực và thị trường nhựa phân hủy sinh học” của Việt Nam, ông Guru Mallikarjuna- Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam sẽ đưa dẫn chứng về việc đưa công nghệ sản xuất bền vững đến ASEAN.

TM