Doanh nghiệp Việt làm được gì cho chuỗi cung ứng của nước ngoài?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 04:16, 29/03/2021

Kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp (DN) trong nước chưa như kỳ vọng, làm giảm hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động...

Hầu hết giao dịch không có DN Việt Nam

Hiện tại có 50 DN Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung. Samsung đã có những hỗ trợ cần thiết giúp các công ty này cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng để trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn đến từ Hàn Quốc là không dễ.

Ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty TNHH 4P - DN nội địa đầu tiên cung cấp bản mạch điện tử cho LGE tại Việt Nam cho biết: “Samsung rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, buộc 4P phải cải tổ DN, chấp nhận những yêu cầu kỹ thuật, điều kiện làm việc, nhất là tiêu chuẩn “phòng sạch”. Bởi sử dụng đúng cách “phòng sạch” - một công đoạn trong quá trình sản xuất, mới có thể tránh được rủi ro cũng như các sự cố về chất lượng sản phẩm”.

[Caption]trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% giao dịch của Samsung Electronics tại Việt Nam đều là DN FDI có quy mô lớn khác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,

Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% giao dịch của Samsung Electronics tại Việt Nam đều là DN FDI có quy mô lớn khác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Rất ít thấy tên DN Việt Nam.

Muốn trở thành nhà cung cấp cho Samsung, DN Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá vendor (nhà cung cấp) của tập đoàn này. Theo ông Kim Kyung Tae - chuyên gia của Công ty Samsung Việt Nam, hiệu suất và quản lý đang là những hạn chế của các DN Việt Nam, dù phương pháp 5S (phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc, được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật, gồm sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) được thực hiện khá bài bản.

Việc vượt qua được các tiêu chí đánh giá đó, ông Kim cho là “không đơn giản”. DN Việt phải chuẩn bị rất nhiều mới có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá các vendor của Samsung. Samsung cũng có những chỉ tiêu đánh giá khác liên quan đến môi trường, tiềm năng tài chính.

Theo nguồn tin của Vietnam Investment Review (VIR), trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% giao dịch của Samsung Electronics tại Việt Nam đều là DN FDI có quy mô lớn khác của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, như Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDI Vietnam, hai công ty con của Samsung, MCNEX Vina sản xuất module camera, Power Logics Vina sản xuất bảng mạch bảo vệ pin, CammSys Vietnam cung cấp module camera, Goertek Vina sản xuất tai nghe, mic, Intops Việt Nam chuyên vỏ điện thoại, SI Flex sản xuất mạch in linh hoạt; AAC Technologies Vietnam sản xuất module loa, micro... Tất cả đều không phải là DN Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng liên kết yếu

Tại cuộc họp ngày 12/3/2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là vấn đề cần lưu tâm. Theo ông Dũng, tính liên kết giữa các DN Việt Nam còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo thành khối để cùng nhau phát triển. DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% DN nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. DN ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm trên 97%. Trong khi đó, đầu tư của khu vực DN này cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%).

[Caption]Muốn trở thành nhà cung cấp cho Samsung, DN Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá vendor (nhà cung cấp) của tập đoàn này

Muốn trở thành nhà cung cấp cho Samsung, DN Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá vendor (nhà cung cấp) của tập đoàn này

Những điểm hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có một phần nguyên nhân xuất phát từ quản lý nhà nước về kinh tế. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức.

Điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều năm liền cho thấy tỷ lệ DN tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất của DN FDI còn hạn chế. Liên kết cũng rất yếu ngay cả khi nhìn từ phía DN FDI.

Việt Nam đang thay đổi chiến lược thu hút FDI. Đó là tập trung vào những dự án lớn, trọng điểm quốc gia, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia sản xuất với hàm lượng khoa học - công nghệ cao, thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Việt Nam đang thúc đẩy liên kết giữa các công ty FDI và DN trong nước. Giới phân tích cho rằng, bên cạnh việc phải cải thiện chất lượng lao động, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của DN trong nước và DN FDI cần phải lưu ý đến yếu tố địa lý. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các DN FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu, nhưng cũng làm cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên hạn chế.

Ông Kyle F.Kelhpfer - Giám đốc phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, Việt Nam điều chỉnh chiến lược thu hút đầu tư, trong đó chú trọng hơn đến việc tăng cường mối liên kết giữa DN Việt Nam và DN FDI để tạo lợi ích chung là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. 

Hải Vân