Bang Bremen của Đức có gì hấp dẫn doanh nghiệp Việt?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:06, 31/03/2021
Bremen là trung tâm của ngành công nghiệp ô tô của nước Đức. Nhà máy Mercedes-Benz sản xuất hơn 400.000 xe mỗi năm và đang là xưởng sản xuất chính toàn cầu của dòng C-class |
Những năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Kim ngạch thương mại hai nước kể từ năm 2010 đến nay tăng gấp đôi, đạt trên 10 tỷ USD. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thương mại hai chiều vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm.
Hiện Đức đứng thứ 18 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 300 doanh nghiệp Đức với 361 dự án đang được triển khai trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy, logistics, hóa chất, năng lượng tái tạo… với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 35 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 250 triệu USD trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tin học, nhà hàng, khách sạn…
Chia sẻ tại hội thảo “Xúc tiến thương mại và đầu tư với thị trường Bremen (Đức) - Trung tâm logistics cung ứng hàng hóa ở châu Âu” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 31/3/2021, bà Hoàng Thị Hương - Trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen tại Việt Nam (BremenInvest) cho biết, bang Bremen với cảng Bremen là đầu mối quan trọng cho thương mại xuyên lục địa, là chìa khoá vào nước Đức.
Bremen là trung tâm công nghiệp hàng đầu của nước Đức và châu Âu với các ngành công nghiệp xe hơi và tự động hóa, vận tải biển, logistics và khai thác kinh tế biển, công nghiệp hàng không vũ trụ, điện gió, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm thủy hản sản, đông lạnh và đồ uống, số hóa và công nghiệp 4.0, giáo dục và nghiên cứu phát triển… Trong đó, kinh tế hàng hải của Bremen chính là ngành quan trọng nhất của nước Đức. Đây là thương cảng container lớn thứ tư ở châu Âu (lớn thứ hai nước Đức), tiếp nhận khối lượng hàng hóa khổng lồ giao dịch và vận chuyển, với hơn 40.000 người làm việc tại 1.300 công ty. Hằng năm, thương cảng này vận chuyển đến 1,5 triệu tấn hàng hóa và hằng tuần có khoảng 38 tuyến từ Bremerhaven đến các điểm đến trên toàn thế giới.
Theo bà Hoàng Thị Hương - trưởng đại diện Cơ quan phát triển kinh tế bang Bremen tại Việt Nam cho rằng, Bremen là đầu mối quan trọng cho thương mại xuyên lục địa, là chìa khoá vào nước Đức |
Bên cạnh đó, thành phố này cũng là trung tâm của ngành công nghiệp ô tô của nước Đức. Nhà máy Mercedes-Benz sản xuất hơn 400.000 xe mỗi năm và đang là xưởng sản xuất chính toàn cầu của dòng C-class. Tại đây sở hữu dây chuyền sản xuất Mercedes-Benz lớn thứ 2 thế giới với lực lượng lao động khoảng 12.500 người, 600 nhà cung cấp thiết bị.
Bremen có rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt để đầu tư, kinh doanh, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hương, để đầu tư vào Bremen và nước Đức, doanh nghiệp cần phải lưu ý nhiều vấn đề.
Điều đầu tiên cần chú ý là phải đầu tư hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, dịch vụ cũng như quan tâm đến yếu tố môi trường, sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, yếu tố chất lượng, độ tin cậy và thời gian đáp ứng nhu cầu của nhà mua hàng cũng rất quan trọng. Doanh nghiệp nên tiếp cận thị trường ngách với quy mô nhỏ trước, và sau khi phát triển phải đăng ký bảo hộ đối với mô hình đầu tư, sản phẩm kinh doanh.
Cũng theo bà Hoàng Thị Hương, hầu hết các tiêu chuẩn hàng hóa của EU được công nhận ở Đức và ngược lại. Tuy nhiên, chứng chỉ CE châu Âu không được áp dụng cho hàng thực phẩm, dệt may và hóa chất. Hệ thống thuế ở đây tương đối chi tiết và phức tạp, do đó doanh nghiệp nên sử dụng tư vấn thuế trong kinh doanh tại Bremen.
Một vấn đề không kém quan trọng là luật pháp tại Bremen rất nghiêm minh, doanh nghiệp cần phải tuân thủ và phải chú ý tới luật bảo mật thông tin cá nhân.