Ông Biden nói tăng thuế không gây hại cho nền kinh tế, Phố Wall lo gặp 'ác mộng'
Quốc tế - Ngày đăng : 03:30, 06/04/2021
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một kế hoạch đầu tư hạ tầng khổng lồ, với chi phí lên tới 2.300 tỷ USD, cùng lời hứa "tạo ra hàng triệu việc làm lương cao". Nguồn tiền cho dự án sẽ đến từ khoản tăng thuế DN - quyết định được kỳ vọng sẽ đem về đủ số tiền cần thiết trong 15 năm, và sau đó giúp giảm thâm hụt ngân sách.
Theo số liệu từ Viện nghiên cứu Chính sách thuế và Kinh tế (ITEP), ít nhất 55 DN niêm yết ở Mỹ không đóng bất kỳ một khoản thuế thu nhập liên bang nào trong năm qua, dù có tổng lợi nhuận lên tới 40,5 tỷ USD. Trong đó, có cả những cái tên lớn thuộc nhóm Fortune 500 và S&P 500 như Nike, Salesforce, FedEx và Archer Daniels Midland.
ITEP cho biết, trong số 55 DN vừa nêu, 26 DN không đóng thuế thu nhập liên bang trong 3 năm liên tục, dù năm nào cũng có lãi, với tổng lợi nhuận trong 3 năm lên tới 77 tỷ USD. Thế nên, ông Biden cho rằng, đã đến lúc các DN này thực hiện nghĩa vụ thuế với đất nước. Và, khi được hỏi liệu kế hoạch tăng thuế DN từ 21% lên 28% có khiến các DN rời bỏ nước Mỹ hay không, Tổng thống Mỹ khẳng định: "Không, không có bằng chứng nào hết cho việc đó".
Tổng thống Biden nói không có bằng chứng DN sẽ rời Mỹ nếu ông tăng thuế. Ảnh: Reuters |
Người ủng hộ, kẻ phản đối
Một luận điểm được chính quyền ông Biden đưa ra nhằm tăng sự ủng hộ cho kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ là nỗi lo rằng, nếu không nỗ lực, Mỹ sẽ bị Trung Quốc bỏ xa. "Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay hơn chúng ta rất nhiều, vì kế hoạch của họ là nắm bắt tương lai", ông Biden nói.
Một số chuyên gia đồng tình với quan điểm này, cho rằng Mỹ đã chậm trễ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội Kỹ sư xây dựng Mỹ (ASCE), hạ tầng của Mỹ chỉ đạt điểm C-. ASCE cho biết, Mỹ đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt đầu tư hạ tầng trong 10 năm tới, với chi phí có thể lên tới 2.600 tỷ USD. Báo cáo nhận xét, việc tiếp tục đầu tư không đầy đủ cho hạ tầng sẽ khiến Mỹ mất 3 triệu việc làm và 10.000 tỷ USD GDP từ nay đến năm 2039.
Về phần Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức này cũng rất ủng hộ ý tưởng các nước giàu sử dụng thuế để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng mà Covid-19 đã phơi bày. Các hình thức thuế mà IMF quan tâm, gồm thuế thu nhập lũy tiến, thuế thừa kế, thuế bất động sản cũng như thuế đánh vào lợi nhuận "cao quá mức" của DN.
Bên cạnh đó, ông Biden cho rằng, chính phủ nhiều nước khác đang đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng, và Mỹ cũng cần phải làm như vậy để tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cũng gạt bỏ các lời chỉ trích của đảng Cộng hòa rằng, đề xuất hơn 2.000 tỷ USD của ông chứa đầy hạng mục không liên quan đến cơ sở hạ tầng. Theo ông, nước sạch, trường học và đường sắt cao tốc cũng là hạ tầng, ngoài công trình truyền thống như cầu đường, xa lộ.
Kế hoạch tăng thuế của ông Biden sẽ là sự đảo ngược chính sách đáng kể so với chính sách dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, khi không lâu sau khi lên cầm quyền, ông Trump đã giảm thuế DN từ 35% về 21%. |
Dù vậy, theo giới phân tích, kế hoạch của ông Biden đang đứng trước nhiều rủi ro và thách thức. Trước hết, phe Cộng hòa cùng một số nghị sĩ Dân chủ thuộc phái ôn hòa phản đối việc tăng thuế và tăng chi tiêu, nhất là sau khi Washington đã chi gần 5.000 tỷ USD để kích cầu vượt Covid-19.
Tuần trước, Lãnh đạo phe đa số đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã nhận xét, kế hoạch của ông Biden là "cực kỳ táo bạo", song nó sẽ khiến khối nợ công phình to. Trên thực tế, trong tài khóa trước, nợ chính phủ liên bang Mỹ đã lần đầu tương đương 100% GDP kể từ năm 1946. Theo dự báo của Văn phòng Ngân sách (CBO) thuộc Quốc hội Mỹ, đến năm 2031, con số này sẽ đạt 107%, đặt ra lo ngại rằng các thế hệ tương lai của nước này sẽ phải "còng lưng trả nợ".
Do đó, McConnell cam kết sẽ cực lực phản đối kế hoạch này. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt cách đây 2 ngày đã kêu gọi ông Biden thu hẹp quy mô của kế hoạch nếu muốn các nhà lập pháp của đảng này ủng hộ. "Nếu đánh giá kỹ càng các con đường, cầu cống, bến cảng, sân bay và thậm chí hệ thống nước ngầm cùng băng thông rộng mà nước Mỹ đang có, chúng ta có thể tiết kiệm được 30% gói đầu tư này", ông Blunt nói.
Thế nên, ông Blunt đề nghị giảm chi phí kế hoạch còn khoảng 615 tỷ USD - con số để nhà lập pháp đảng Cộng hòa dễ dàng chấp thuận hơn. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker cho rằng, ông Biden chỉ đang cố sử dụng kế hoạch mới để tăng thuế chứ không hề muốn sửa chữa, xây dựng lại mạng lưới giao thông, liên lạc và điện nước.
Hơn nữa, từ những năm 1980 đến nay, chính sách kinh tế của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều dựa trên quan điểm cho rằng, khu vực công kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân, và các chính trị gia không thể thắng thế trước thị trường. Thế nhưng, có vẻ như ông Biden đang muốn chứng minh điều ngược lại.
Phố Wall lo gặp 'ác mộng'
Giới đầu tư hiện đang cân nhắc đến tác động của kế hoạch hạ tầng của ông Biden - nội dung được xem sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn về chính sách kinh tế. Đây thực sự là một "canh bạc" lớn hơn rất nhiều so với gói 1.900 tỷ USD, không chỉ bởi quy mô mà còn bởi Tổng thống Mỹ dường như đang đánh cược với niềm tin rằng Chính phủ có thể đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế.
Goldman Sachs dự báo, kế hoạch tăng thuế từ chính quyền Biden có thể xóa bỏ 9% EPS của các công ty trong S&P 500 năm 2022. |
Theo dự báo từ giới phân tích, với thị trường cổ phiếu, việc tăng thuế DN có thể nhanh chóng tạo ra thiệt hại, khi thị trường có thể sụt điểm mạnh nếu một kế hoạch tăng thuế được đưa ra. Goldman Sachs ước tính, kế hoạch này có thể xóa bỏ 9% thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các DN thuộc nhóm S&P 500 năm 2022.
Trước đó, vào tháng 7/2020, Goldman Sachs cũng từng bày tỏ mối lo ngại của Phố Wall về kế hoạch đánh thuế DN của ông Biden nếu đắc cử. Khi ấy, ngân hàng này ước tính EPS của các DN thuộc nhóm S&P 500 sẽ giảm từ 170 USD xuống 150 USD. Goldman Sachs nói thêm, nếu thuế thu nhập quay lại mức 35% (thời điểm trước khi Trump nhậm chức) thì sẽ gây rủi ro cho lợi nhuận và cổ tức của DN.
Nếu kế hoạch của ông Biden được thông qua, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin thuộc nhóm chịu thiệt hại nặng nhất do nhạy cảm với việc tăng thuế. Goldman Sachs dự báo, 2 lĩnh vực này có thể mất khoảng 10% lợi nhuận trong năm 2022.