Tiềm lực ngành công nghệ vật liệu của TP.HCM là rất lớn
Công nghệ - Ngày đăng : 01:00, 10/04/2021
Sáng nay ngày 10/4, tại TP.HCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ KH&CN, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vật liệu đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã đến dự và phát biểu tại hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo. |
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chào mừng hội thảo. (Ảnh: K.A). |
Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG TP.HCM (Inomar) khẳng định tiềm lực trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ và phát triển các công nghệ vật liệu của Đại học Quốc gia TP.HCM là rất lớn, với chủ công là Trường Đại học Bách Khoa với ba phòng thí nghiệm và khoa Công nghệ vật liệu; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên với phòng thí nghiệm vật liệu kỹ thuật cao và ba khoa chuyên môn (Khoa học và Công nghệ vật liệu, Vật lý và Vật lý Kỹ thuật, Hóa học), Trường Đại học Quốc tế với khoa Kỹ thuật Y Sinh; Viện Công nghệ Nano - INT, và cuối cùng là Trung tâm Inomar.
Tiềm lực nghiên cứu công nghệ vật liệu mới tại các đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. |
Đại diện Bộ KH&CN tại nhiều hội thảo tổ chức trong nước và quốc tế trong vài năm trở lại đây luôn khẳng định rằng, công nghệ vật liệu mới được xác định là một trong bốn công nghệ cao được ưu tiên. Cụ thể, từ năm 2001, Bộ KH&CN đã bố trí riêng một chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các Chương trình KH&CN cấp quốc gia khác. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của các ngành sản xuất và góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tại hội thảo, Bộ KH&CN và Đại học Quốc gia TP.HCM thực hiện nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác. |
Trước đó, hồi tháng 11/2020, tại hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết đối với các quốc gia trên thế giới, công nghiệp vật liệu có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sản lượng, chủng loại và chất lượng vật liệu tiêu thụ phản ánh sức mạnh của nền kinh tế và trình độ công nghệ của quốc gia.
Tại Việt Nam, nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng cao, trong khi đó năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu trong nước vẫn còn thấp, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. "Do đó, phát triển ngành công nghiệp vật liệu càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.