Hộ kinh doanh có được đăng ký nhiều ngành, nghề?

Pháp luật - Ngày đăng : 07:02, 12/04/2021

Pháp luật hiện không quy định cụ thể số lượng tối đa ngành, nghề được đăng ký của hộ kinh doanh. Vì vậy, hộ kinh doanh có thể đăng ký nhiều ngành, nghề và những ngành nghề này sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận nếu đáp ứng được các điều kiện cụ thể.
Hộ kinh doanh có được đăng ký nhiều ngành, nghề?

Khoản 1 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau: “Khi đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, hộ kinh doanh ghi ngành, nghề kinh doanh trên giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi nhận thông tin về ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh”.

Do đó, khi đăng ký kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải lựa chọn trước ngành, nghề kinh doanh và ghi vào giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Căn cứ Khoản 2 Điều 89 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Theo quy định này, hộ kinh doanh có thể đăng ký những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. 

Về số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh, hiện nay pháp luật không quy định cụ thể số lượng tối đa ngành, nghề được đăng ký của hộ kinh doanh. Vì vậy, hộ kinh doanh có thể đăng ký nhiều ngành, nghề, và những ngành nghề này sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận nếu đáp ứng được cả hai điều kiện sau:

- Không phải là ngành, nghề kinh doanh bị cấm theo quy định của pháp luật;

- Có đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đó (nghĩa là những ngành, nghề cần phải xin giấy phép con thì hộ kinh doanh phải thủ tục để được cấp giấy phép).

Điều 6 Luật Đầu tư 2020 cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:

- Kinh doanh các chất ma túy;

- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;

- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

- Kinh doanh mại dâm;

- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

- Kinh doanh pháo nổ;

- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

HT