Lo ngại gì trước các gói kích thích khổng lồ của Mỹ?

Quốc tế - Ngày đăng : 01:24, 15/04/2021

Hàng nghìn tỷ USD có thể sớm được bơm ra trong thời gian tới, thông qua các gói kích thích khổng lồ mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong khi giới doanh nghiệp lo sợ về viễn cảnh thuế suất sẽ tăng lên để có tiền cho Chính phủ chi tiêu, các quốc gia và nhà đầu tư toàn cầu đang e ngại về lạm phát và lãi suất sẽ sớm gia tăng trở lại.
Lo ngại gì trước các gói kích thích khổng lồ của Mỹ?

Chi tiêu thả cửa

Chưa đầy một tháng sau khi phê duyệt gói cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD và còn chưa sử dụng xong, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây lại đề xuất gói chi tiêu mới 2.250 tỷ USD với tên gọi “American Jobs Plan” (Kế hoạch việc làm của người Mỹ), dự kiến sử dụng trong 8 năm, tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải và sản xuất, hướng đến mục tiêu giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu. 

Cụ thể, kế hoạch này dành ra 621 tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, 400 tỷ USD giúp chăm sóc người già và người khuyết tật, 300 tỷ USD thúc đẩy sản xuất, 213 tỷ USD trang bị thêm và xây dựng nhà ở giá cả phải chăng, 100 tỷ USD để mở rộng truy cập băng thông rộng, cùng các khoản đầu tư khác.

Chưa dừng lại đó, chính quyền Tổng thống Biden cũng đang lên kế hoạch cho gói chi tiêu thứ hai với trị giá lên tới 1.000 tỷ USD hoặc có thể đến 2.000 tỷ USD trong tháng này. Gói chi tiêu này sẽ tập trung vào các biện pháp xã hội, bao gồm nâng cao khả năng tiếp cận tới hệ thống chăm sóc y tế và nghỉ phép có lương, đồng thời gia hạn tín dụng thuế cho trẻ em.

Ông Biden đang trên đường trở thành một trong những tổng thống Mỹ chi tiêu mạnh tay nhất đầu nhiệm kỳ với các gói ngân sách hàng nghìn tỷ USD. Với hai sáng kiến hành pháp lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ, gồm gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD ký cách đây vài tuần và dự luật cơ sở hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD, Biden sắp chi tiêu ngân sách bằng cả năm 2019, chưa tính gói ngân sách vào lĩnh vực giáo dục và y tế trị giá khoảng 2.000 tỷ USD. Trước đó, gói kích cầu trị giá 2,2 nghìn tỷ được cựu Tổng thống Donald Trump ký vào tháng 3/2020 là dự luật chi tiêu lớn nhất cho đến nay trong lịch sử Mỹ.

Với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và sớm tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, bên cạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với mức lãi suất thấp kỷ lục, Nhà Trắng đang ngày càng mở rộng chính sách tài khóa thông qua các gói cứu trợ và kích thích kinh tế. Nhìn lại quá khứ, nhiều thành viên Đảng Dân chủ hiện nay tin rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã quá thận trọng khi tung ra gói cứu trợ dưới một nghìn tỷ USD, không đủ đáp ứng nhu cầu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Do đó, lần này họ sẵn sàng ủng hộ các gói chi tiêu mạnh tay hơn.

Nhiều nỗi lo ngại

Dù vậy, việc chi tiêu quá mức có thể đẩy nước Mỹ thêm chìm sâu vào tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề. Thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên tới gần 15% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2021. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), trong năm nay, thâm hụt ngân sách của Mỹ dự báo tăng lên 3.100 tỷ USD, mức cao thứ hai kể từ Chiến tranh Thế giới 2.

Thâm hụt ngân sách gia tăng cũng sẽ đẩy nợ công của Mỹ đối mặt thêm nhiều nguy cơ. Theo đồng hồ đo nợ của Mỹ tính đến ngày 7/4/2021, nợ công của Mỹ chiếm hơn 102% GDP, trong khi nợ quốc gia của nước này đã vượt mức 28 nghìn tỷ USD, gấp 3,5 lần Trung Quốc. Mới đây vào giữa tháng 3/2021, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P 500 dù vẫn giữ đánh giá nợ công của Mỹ ở mức AA+, nhưng hãng này cũng cho biết xếp hạng nợ công của Mỹ đã bị ảnh hưởng do nợ chính phủ và thâm hụt tài chính nhìn chung ngày càng gia tăng.

Để giảm tải áp lực lên ngân sách và trang trải chi phí cho kế hoạch này, ông Biden muốn nâng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, đồng thời cũng sẽ đặt ra mức thuế tối thiểu 15% đối với phần lợi nhuận của công ty dành cho các mục đích báo cáo tài chính. Điều này sẽ ngăn không cho các công ty tăng các khoản khấu trừ thuế với mục đích giảm khoản thuế của họ xuống mức 0. 

Kế hoạch này cũng dự kiến đánh thuế với khoản lợi nhuận kiếm từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp, tăng thuế từ 13% lên 21%. Ngoài ra, ông Biden cũng đề ra một số biện pháp trừng phạt đối với các công ty di chuyển tài sản và công việc ra nước ngoài. Chính vì vậy, các nhóm doanh nghiệp Mỹ hôm 31/3/2021 cũng bày tỏ phản đối tăng thuế để lấy nguồn tài trợ cho kế hoạch, đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý trong quan hệ của họ với Biden.

Điều chắc chắn là kế hoạch nâng thuế cũng sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Đảng Cộng hòa. Hiện tại, Đảng Dân chủ kiểm soát cả hai viện của Quốc hội, nhưng thế đa số của họ rất mong manh, đặc biệt tại Thượng viện, nơi có 50 nghị sĩ Đảng Dân chủ và 50 nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trong khi đó thường cần có 60 phiếu bầu để thông qua bất kỳ dự luật nào tại Thượng viện. 

Đáng lưu ý là các gói kích thích khổng lồ mới của Mỹ cũng gây ra nhiều lo ngại cho các nước khác, trước khả năng lượng tiền bơm ra quá lớn sẽ tạo ra áp lực lạm phát, đẩy giá các loại tài sản gia tăng trên toàn cầu, từ đó có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, điều mà các nhà đầu tư không thích tí nào. Thực tế, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ gần đây liên tục đi lên, phản ánh kỳ vọng lạm phát và lãi suất cao hơn trong tương lai. 

Thâm hụt ngân sách gia tăng cũng sẽ đẩy nợ công của Mỹ đối mặt thêm nhiều nguy cơ. Theo đồng hồ đo nợ của Mỹ tính đến ngày 7/4/2021, nợ công của Mỹ chiếm hơn 102% GDP, trong khi nợ quốc gia của nước này đã vượt mức 28 nghìn tỷ USD, gấp 3,5 lần Trung Quốc.

Khả Hân