Tỷ giá “nổi sóng” và lo ngại về thao túng tiền tệ

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 07:20, 16/04/2021

Trái với mọi dự báo, đồng USD đã tăng đáng kể từ đầu năm đến nay trên thị trường quốc tế lẫn trong nước. Điều này đang mang đến những lo ngại Việt Nam khó có thể được tháo mác thao túng tiền tệ trong báo cáo phát hành vào giữa tháng 4 này, nhất là khi đây dường như không còn là chuyện kinh tế đơn thuần.
Tỷ giá “nổi sóng” và lo ngại về thao túng tiền tệ

Tăng theo đà tăng của thế giới

Cuối năm 2020, thời điểm chỉ số USD Index giảm hơn 11% so với mức đỉnh vào tháng 3/2020, Citigroup từng đưa ra dự báo đồng USD có thể tiếp tục giảm đến 20% trong năm 2021, dựa trên việc vaccine kháng SARS-CoV-2 được tiêm chủng rộng rãi và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu đối với các tài sản an toàn như đồng đô la Mỹ, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất siêu thấp.

Nhưng những gì diễn ra trong ba tháng đầu năm nay đi ngược lại với lời nhận định trên, khi chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh tính đến cuối tháng 3 đã tăng hơn 4,3% so với đầu năm, lên tận mốc 93,4 điểm, cao nhất trong 5 tháng qua. Dù trong những ngày đầu tháng 4 này, đồng USD đang điều chỉnh trở lại, nhưng xu hướng đi lên thiết lập trong ba tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu bị phá vỡ.

Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế Mỹ cùng với thị trường chứng khoán bứt phá mạnh mẽ của nước này đang tạo ra tâm lý lạc quan và thúc đẩy nhu cầu đồng USD tăng trở lại, bất chấp chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của FED và các gói kích thích tài khóa mới liên tiếp được tung ra.

Trong nước, tỷ giá USD/VND cũng hòa theo nhịp điệu đi lên của đồng USD quốc tế, với tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước niêm yết tính đến ngày 6/4/2021 nằm tại 23.237 đồng/USD, tăng 106 đồng, tương đương tăng 0,46% so với đầu năm. Trước đó, vào cuối tháng 3, tỷ giá trung tâm thậm chí còn chạm mức cao nhất từ trước đến nay ở mốc 23.244 đồng/USD.

Cùng thời điểm cuối tháng 3, giá USD trên thị trường tự do cũng tăng vọt và có lúc vượt mốc 1 USD ăn 24.000 đồng ở chiều bán ra, tức tăng hơn 600 đồng, tương đương tăng 2,6% so với thời điểm đầu năm và cao hơn gần 900 đồng so với giá bán ra tại các ngân hàng thương mại. Sự tăng vọt của đồng USD trên thị trường phi chính thức gây ra không ít lo ngại, khi quá khứ từng cho thấy điều này phản ánh cung cầu ngoại tệ đang có dấu hiệu mất cân bằng.

Tuy nhiên, khả năng đợt tăng mạnh giá USD vừa qua chủ yếu bị dẫn dắt bởi thị trường quốc tế, khi mà nguồn cung ngoại tệ đổ vào trong nước vẫn khá dồi dào. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất siêu trong quý I đạt hơn 2 tỷ USD, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân lên đến 4,1 tỷ USD, trong khi những tháng đầu năm nay là giai đoạn cao điểm dòng tiền kiều hối đổ về.

Hiện nay, tình trạng đầu cơ lướt sóng ngoại hối hay găm giữ ngoại tệ đã giảm mạnh, khi tình trạng đô la hóa đang dần bị triệt tiêu. Cụ thể nếu như cách đây 10 năm, tỷ lệ huy động vốn ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán (FCD/M2) của toàn hệ thống lên tới 19-20%, đến cuối năm 2019 chỉ còn xấp xỉ 8%. Trong khi đó, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ của dân cư cũng giảm, từ mức 7,9% vào cuối năm 2015 xuống chỉ còn 2,5% tính đến cuối tháng 3 vừa qua.

Lo ngại thao túng tiền tệ

Vào cuối năm 2020, nhiều tổ chức trong nước dự báo tỷ giá USD/VND sẽ khó tăng trong năm 2021, khi nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục vượt trội và đặc biệt là nỗi e ngại về việc Bộ Tài chính Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ đối với Việt Nam từ giữa tháng 12/2020 buộc nhà điều hành phải có chính sách kiểm soát tỷ giá phù hợp hơn.

Với việc tiền đồng vẫn giảm giá đáng kể so với USD trong ba tháng qua trái ngược với mọi dự báo, dù nguyên nhân chủ yếu là đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, nhưng diễn biến này vẫn có thể trở thành cái cớ để Mỹ tiếp tục gán mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam.

Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi niêm yết tỷ giá mua USD giao ngay sang giá mua kỳ hạn 6 tháng, như là một động thái cho thấy định hướng không muốn can thiệp vào thị trường ngoại hối giao ngay như phía Mỹ cáo buộc. Tuy nhiên, với việc tiền đồng vẫn giảm giá đáng kể so với USD trong ba tháng qua trái ngược với mọi dự báo, dù nguyên nhân chủ yếu là đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, nhưng diễn biến này vẫn có thể trở thành cái cớ để Mỹ tiếp tục gán mác thao túng tiền tệ đối với Việt Nam.

Hồi đầu tháng 4 này, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) Trần Tuấn Anh đã điện đàm với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước, như là một bước đi thăm dò và thể hiện sự cầu thị cũng như nỗ lực nhằm được tháo nhãn thao túng tiền tệ, trước khi Bộ Tài chính Mỹ phát hành báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” vào giữa tháng 4 này.

Dù vậy, việc gắn mác thao túng tiền tệ có thể mang nhiều ẩn ý chính trị phía sau hơn, chứ không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế và thương mại. Về phần mình, ngoài việc chứng minh được diễn biến tỷ giá USD/VND là theo xu thế thị trường, khi mà nhiều đồng tiền cũng mất giá trước sự mạnh lên của đồng USD, có lẽ Việt Nam sẽ tiếp tục tìm giải pháp thu hẹp sự mất cân bằng thương mại với phía Mỹ, bằng cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ nền kinh tế số một thế giới này, cũng như kiểm soát chặt tình trạng hàng hóa gian lận xuất xứ thương mại từ Việt Nam đi vào Mỹ để tránh hàng rào thuế quan. 

Anh Khoa