Liệu pháp nội tiết trong điều trị ung thư vú
Sống khỏe - Ngày đăng : 05:45, 17/04/2021
Việc điều trị UTV đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức giữa các phương pháp: phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc sinh học, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích và nội tiết. Trong đó, liệu pháp nội tiết đã được chứng minh hiệu quả đối với người bệnh UTV có thụ thể nội tiết dương tính (ER), giúp giảm 40% tỷ lệ tái phát và 30% tỷ lệ tử vong, góp phần kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
TS-BS. Nguyễn Hữu Phúc tư vấn cho người bệnh |
Liệu pháp nội tiết là gì?
Nội tiết tố là các phân tử tín hiệu (hay còn gọi là hormone) giúp điều hòa hoạt động của các hệ cơ quan trong cơ thể. Các nội tiết tố này được tiết ra bởi các cơ quan nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, buồng trứng... Với tuyến vú, hai nội tiết tố chính là estrogen và progesteron giúp cho vú phát triển, trưởng thành và tạo sữa. Tuy nhiên, estrogen cũng gây kích thích sự tăng trưởng của tế bào đột biến, khi gắn vào các thụ thể nội tiết ER sẽ làm các nhóm tế bào đột biến sinh sôi, phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ thể và gây ra UTV.
Hiện liệu pháp nội tiết đang là “vũ khí” điều trị góp phần cứu lấy hàng triệu phụ nữ mắc UTV có thụ thể nội tiết dương tính. Đây là một dạng điều trị nhắm trúng đích với tác dụng phụ nhẹ, giúp hỗ trợ quá trình điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Tùy vào độ tuổi, tình trạng kinh nguyệt và phân nhóm nguy cơ, các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc nội tiết khác nhau, giúp vô hiệu hóa hoặc làm giảm nồng độ của estrogen trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát. Một số nghiên cứu cho thấy, thụ thể nội tiết dương tính chiếm khoảng 65-75% trường hợp người bệnh UTV. Người bệnh càng lớn tuổi thì càng có nhiều thụ thể dương tính. Đây là đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn từ liệu pháp nội tiết.
Lưu ý trong điều trị bằng liệu pháp nội tiết
Việc điều trị UTV bằng liệu pháp nội tiết nên kéo dài ít nhất 5 năm. Tương tự các phương pháp điều trị UTV khác, liệu pháp nội tiết cũng có một số tác dụng phụ như xuất hiện các cơn bốc hỏa, đau khớp, loãng xương... Một số người bệnh vì lo lắng khi gặp tác dụng phụ đã tự ý ngưng sử dụng khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ, làm giảm hiệu quả và gián đoạn quá trình điều trị. Vì vậy ngay khi có tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để được đánh giá và điều chỉnh thuốc cho phù hợp với thể trạng.
Việc tầm soát và phát hiện sớm UTV góp phần quan trọng trong việc đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Chị em phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát UTV bằng các biện pháp như chụp nhũ ảnh, siêu âm, MRI... để kịp thời phát hiện các tế bào ung thư, đặc biệt là với người có nguy cơ cao như gia đình có tiền sử mắc UTV, người trên 40 tuổi, hành kinh sớm, từng xạ trị vùng ngực... Tùy vào giai đoạn bệnh và bản chất sinh học của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Ngoài ra, chị em phụ nữ có thể chủ động tầm soát UTV cho bản thân bằng cách sử dụng lòng bàn tay kiểm tra vú để phát hiện sớm các khối u, cục hoặc tình trạng chảy dịch từ trong núm vú. Nên thực hiện phương pháp này vào ngày thứ 10 của chu kỳ kinh nguyệt để có kết quả chính xác nhất. Bên cạnh đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, nên nhanh chóng đến khám chuyên khoa vú để được kiểm tra, tư vấn và điều trị kịp thời.
(*) Trưởng Khoa Tuyến vú Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM