Đi cho biết Hội An
Du lịch - Ngày đăng : 06:21, 17/04/2021
Cách đây 10 năm, tôi đến Hội An trong tour diễn xuyên Việt với nữ ca sĩ Ánh Tuyết. Một buổi sáng, tôi gọi thất thanh qua điện thoại:
“Tuyết ơi! Tuyết ơi! Cứu em!”.
“Chi rứa mi? Răng là bai bải như cháy nhà rứa?”.
“Chị ra tiệm này ở ngã ba này em nhờ phát...”.
Hóa ra là buổi sáng, nhìn thấy mấy cái áo sơmi thêu tay đẹp quá, mà ngại trả giá, giọng Bắc gọi là mặc cả, bèn triệu hồi bà chị ra mua hộ. Giá vẫn thế thôi. Không phải vì bà chị là dân Hội An lại là ca sĩ nổi tiếng mà bớt kém đồng nào.
“Hội An hắn rứa đó mi. Hắn không kỳ kèo mô. Tiền mô của nớ”.
Mấy cái áo đó đem về Hà Nội đi hát phòng trà, bạn bè nức nở khen điệu và tinh tế quá. Mặc được mấy năm đấy.
“Ở Hội An mi ưng cái mẫu áo nớ mà không có size vừa, mi cứ đặt tiệm. Hắn may cho mi liền trong vòng 24 giờ nghen”, bà chị dặn thêm.
Mà quái, đi đâu cũng ai lạ gì giọng Ánh Tuyết, nhưng về đến Hội An mới thấy Ánh Tuyết nói giọng Quảng rặt, thấy cưng gì đâu.
Năm nay, cũng Ánh Tuyết gọi show: “Vô đây chơi với chị!”. Đi thôi. Lượn khắp phố cổ Hội An tìm mua áo. Tiền show không cần biết. Sắm sanh ăn diện đã nào.
“Anh ơi! Đây là áo lụa tự nhiên, tụi em thiết kế họa tiết và in lưới thủ công đó anh!”. Miệng nói, tay cô bán hàng rút cái áo khỏi con manequin cái roạt, hai tay cô vò nhàu chiếc áo. Tôi há mồm chưa kịp nói gì thì cô tiếp: “Anh thấy không, lụa tơ tằm thiên nhiên 100% đấy ạ. Anh vò cỡ nào cái áo cũng vẫn phẳng phiu”.
“Cái này bao nhiêu em? Dạ ba triệu bảy năm chục...”. Cô đi tìm cây quẹt định đốt sợi chỉ để chứng minh rằng đây là lụa thứ thiệt, tôi vội xua tay: “Thôi được rồi em”. Cô bán hàng chào tiếp: “Tụi em còn có áo cotton hữu cơ nữa. Rẻ hơn anh à, khoảng một triệu tám một áo...”.
Thôi, im lặng rút lui. Mua bán gì?
Dọc phố cổ ra tới tận chợ, la liệt biển đề “sale off” rẻ như cho, từ áo thun, sơmi, áo đầm, áo khoác... nhưng toàn hàng chợ. Hàng xịn vẫn đắt lòi mắt, chả rẻ đồng nào dù thành phố vắng khách du lịch, buồn như chấu cắn. Bao nhiêu biển cho thuê mặt bằng với sang nhượng cửa hàng. Tìm đến đúng mấy tiệm vải lụa mười năm trước, biển hiệu vẫn treo mà cửa đóng im ỉm.
Con sông Hoài, một nhánh sông Thu Bồn chảy trước thềm phố cổ. Có phải vậy nên Hội An còn có thêm tên gọi rất thơ là Hoài phố? Chả biết phố tiếc nhớ những gì nhưng bên kia sông cách đây mươi năm còn là ruộng rau, giờ mọc lên một dãy phố. Cũng là những căn nhà phố xinh và nhỏ lợp ngói ống tường quét vôi vàng. Đăng đối, hòa hợp xứng tầm với khu phố cổ một cách toàn bích.
Người phố Hội không ham cao rộng nhôm kính sáng choang. Thoạt nom thì hiện đại nhưng nhà cửa modern quá soi bóng xuống sông Hoài cũng tự biết ngượng. Không có gì đẹp bằng sự cân đối, hòa hợp trong kiến trúc, phải không ạ? Thôi thì có khu phố cổ, ta bèn gọi khu phố mới là khu phố “giả cổ” chăng?
Bên khu phố “giả cổ” chủ yếu là quán cà phê, bar dành cho khách ngoại quốc. Bàn ghế decor có vẻ phóng khoáng hơn. Khu chợ đêm cũng xôn xao hàng quán. Càng về khuya, bà con tiểu thương lại túm tụm gần cầu Hội An hơn, họ mong bán thêm được đồng nào chăng? Buôn bán gặp phen lao đao mà đời thì vẫn phải sống.
Bên khu phố cổ thì đời sống có vẻ giản dị hơn. Người ta đi qua đi lại những con phố và thấy mình đi trở ngược thời gian. Bởi thế, ban ngày tiệm lụa có thể vắng khách, nhưng vẫn có dịch vụ cho thuê trang phục chụp hình. Áo dài đủ loại từ cách tân đến cổ phục, từ cô Ba Sài Gòn đến cung phi triều Nguyễn, gì cũng có.
Đi du lịch mấy ai nghĩ tới mang đồ đi trưng trổ mà chụp tấm hình? Thôi thì thuê tạm, quần chùng áo dài súng sính giữa phố cổ nào. Chẳng phải model chuyên nghiệp thì cũng có tấm hình up Facebook khoe chúng bạn. Lênh khênh trèo lên ghế đi guốc, quanh được ba vòng phố cổ chụp cho hết bối cảnh thì cũng rạc cẳng.
Nắng nôi thế này thì chuyện mấy cô son phấn loang lổ vì mồ hôi, ngồi bệt bên lề đường, guốc một bên, thở hắt ra... cũng là thường. Khi con người bất hạnh đó là cơ hội của Chúa. Khi mấy cô mệt mỏi giữa phố Hội thì đó là cơ hội của các bà bán chè.
Buổi tối, cả hai bên sông Hoài âm nhạc du dương. Người ta đi lại ngắm một Hội An vừa quen vừa lạ, lãng mạn hơn ban ngày nhiều. Không cần biết thiên hạ bên khu “giả cổ” ăn những gì, uống những gì, bên khu phố cổ vẫn là những thức quà kinh điển vậy thôi.
Bánh bèo, bánh đập, bánh lọc... bình dân. Bánh bèo chén bột gạo trắng ngần phủ lớp nước chan sền sệt thơm tho. Lấy muỗng xúc miếng nào, miếng nấy tan trong miệng. Bánh đập đơn sơ nhưng mặn mòi vị mắm nêm. Bánh lọc nhỏ hơn ngoài Huế, có nhân tôm lại có cả loại nhân đậu xanh chay nữa.
Ăn xong tráng miệng bát chè đậu ngự màu cẩm hay đậu ván trắng ngần. Sang thì bát chè sen. Thấy đời ngọt như đường cát, mát như đường phèn. “Nhà chị đây, chuyên mua lụa về may cà vạt với nơ. Khách Tây hắn mua dữ lắm. Giờ dịch giã, xoay ra bán chè sống qua ngày vậy”.
Ở Hội An, thèm thức quà gì thì cứ mạnh dạn ăn bên lề đường, không lo chặt chém. Người bán người mua cùng hồ hởi phấn khởi. Bán cả đời chứ ai ăn lãi nốt lần này đâu. Thêm mấy nghìn có giàu hơn đâu. Riêng vụ này hàng quà Hội An rất văn minh, biết nghĩ xa cho sức sống của một đô thị du lịch.
Ở Hội An có thứ nước giải khát tên là lạ: nước Mót Hội An. Hỏi cậu chủ trẻ, chữ mót có phải là chữ mát đọc theo giọng Quảng? Hóa ra không phải. Mót là tên ở nhà của cậu chủ. “Ông em làm thứ nước này để uống giải cảm ngày xưa. Chừ em làm lại”.
Đường nấu với nước với sả và chanh, bỏ thêm đá, có vậy thôi. Nước rót vô ly giấy, thêm một chiếc lá chanh và một cánh sen hồng, đẹp như một món đồ tinh xảo. Trên ly có in thêm dòng chữ: “Khi dùng xong nhớ bỏ ly vào đúng chỗ. Nếu không tìm ra chỗ thích hợp, xin vui lòng mang ly lại cửa hàng, chúng tôi sẽ phân loại”. Cũng có du khách mang ly lại cửa hàng thật. Và những chiếc ly giấy không phải chịu phận lăn lóc giữa đường.