Chủ tịch UBND TP.HCM: "Cải cách hành chính phải đột phá để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp"

Chính sách mới - Ngày đăng : 02:58, 08/05/2021

Tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị công lập, hỗ trợ doanh nghiệp trong các thủ tục hành chính là những mục tiêu được đặt ra tại Hội nghị "Triển khai công tác cải cách hành chính" do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 7/5/2021.
Chủ tịch UBND TP.HCM:

Đây là thông tin ghi nhận tại Hội nghị Triển khai công tác cải cách hànhchính hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM. Với mục tiêu khắc phục yếu kém, thành phố đề ra giải pháp trong giai đoạn 2021-2025 để vào nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong cho hay đa số cơ quan đơn vị tại địa bàn đã công bố hoàn tất chuyển việc chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015. Qua đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đã được nâng cao, đạt 99,7%. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính tiếp tục đạt 80,8%.

Tuy nhiên, vẫn còn đó trường hợp người dân và doanh nghiệp (DN) phản ánh về hành vi chậm trễ và gây phiền hà. Cụ thể, 308 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Trong đó, 137 trường hợp phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định. Riêng tình trạng giải quyết hồ sơ lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp vẫn đứng yên, không có sự thay đổi. 56.632 là con số hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi.

Một điểm nữa cần cải thiện là việc phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan, đơn vị chưa thông suốt. Người dân và DN vẫn phải bổ sung hồ sơ giống nhau ở một số cơ quan, đơn vị. 

Theo ông Phong, những hạn chế trên cũng góp phần giảm sức cạnh tranh của thành phố và giảm sức hút đầu tư. Do đó, Chủ tịch yêu cầu các ban ngành phải ráo riết khắc phục hạn chế của Chỉ số cải cách hành chính (chỉ số PAR Index) để đạt vị trí trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Thành phố siết chặt cải cách

Cụ thể, các cơ quan ban ngành phải liên tục cải cách hành chính để kinh tế thành phố phát triển theo đúng định hướng trên. Việc cải cách phải đột phá, đánh trọng tâm vào giải quyết khó khăn của doanh nghiệp.  Trong đó, người lãnh đạo tại các đơn vị phải đổi mới phương thức quản lý, tăng cường sự tương tác, đối thoại đối với người dân và doanh nghiệp.

Đi vào chi tiết hơn nữa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Đối với các trường hợp xử lý thủ tục hành chính chậm trễ quá 15 ngày làm việc mà cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan. Đúng như Quy chế làm việc của UBND TP.HCM ban hành tại Quyết định số 63 ngày 23 tháng 12 năm 2016".

Việc thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật không được thực hiện quá một lần/năm. Các cơ quan phải kết hợp chung với nhau để thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt. Chỉ trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng mới thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Khi các cơ quan tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì phải thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ.

Các cơ quan đơn vị cũng phải phối hợp chặt chẽ cải cách hành chính. Do đó, cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ để xử lý công việc nhanh và đạt chất lượng. Ngoài ra, cần có cơ quan giám sát để đánh giá và điều chỉnh việc phối hợp giữa các cơ quan để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường… là những nơi Chủ tịch thành phố yêu cầu phải đi đầu trong cải cách hành chính. Các cơ quan trên có ảnh hưởng tới việc cải thiện môi trường đầu tư nên phải tự đặt chỉ tiêu cải cách hành chính cao hơn so với chỉ tiêu chung của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố còn phải tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị công lập. 

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong quá trình cải cách hành chính phải gắn liền với chuyển đổi số của Thành phố. Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi. “Đây là lúc các cơ quan ban ngành triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh; chương trình Chuyển đổi số. Như vậy, đến năm 2025, kinh tế số của thành phố  sẽ chiếm 25% GRDP, và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của Thành phố.”

Tăng tốc Chuyển đổi số trong vòng 5 năm

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT giai đoạn 2021-2025, Thành phố sẽ thực hiện quy hoạch hạ tầng CNTT để xây dựng hạ tầng số và tăng cường an toàn không gian mạng. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và liên thông, kết nối các hệ thống thông tin theo kiến trúc chính quyền điện tử.

Cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ tập hợp theo 3 nhóm để phục vụ người dân, DN và hạ tầng của thành phố. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến sẽ hỗ trợ tự động điền thông tin mẫu đơn, hướng dẫn người dân tự động (Chatbot) và ra quyết định dựa trên dữ liệu số.

Cổng thông tin hỗ trợ DN sẽ hỗ trợ trong các thủ tục hành chính, xúc tiến đầu tư và giải đáp, xử lý phản ánh kiến nghị của DN.

Mỹ Huyền