WHO xem xét đề xuất chuyển công nghệ vắc-xin Covid-19 cho một đơn vị Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 04:34, 14/05/2021
Vaccine Pfizer phát triển dựa trên công nghệ mRNA |
Theo TS. Kidong Park - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, "một nhà sản xuất vắc-xin tại Việt Nam đã bày tỏ mong muốn trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA".
Ông Park cho biết, đề xuất đang được WHO xem xét. Vị trưởng đại diện WHO cũng bày tỏ tổ chức này hy vọng Việt Nam sẽ đăng ký sản xuất quy mô lớn vắc-xin Covid-19 dựa trên mRNA. "Nếu trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19, Việt Nam sẽ đóng góp cho nguồn cung trong nước cũng như khu vực", ông Park nói.
Hiện, WHO đang tìm cách mở rộng năng lực và quy mô sản xuất vắc-xin tại các nước thu nhập thấp, trung bình nhằm kiểm soát đại dịch. Trước đó, tổ chức này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho hai loại vắc-xin mRNA Covid-19 do BioNTech/Pfizer và Moderna phát triển.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, vắc-xin mRNA Covid-19 sẽ cung cấp hướng dẫn cho tế bào cơ thể người tạo ra các "mảnh" vô hại được gọi là "protein đột biến". Loại protein đột biến này được tìm thấy trên bề mặt của virus gây ra Covid-19. Khi vắc-xin mRNA Covid-19 được tiêm vào cơ thể, mRNA sẽ đi vào và nằm bên trong tế bào miễn dịch, kích thích tế bào tạo ra các mảnh protein. Sau khi mảnh protein được tạo ra, tế bào sẽ phá vỡ các mRNA và loại bỏ chúng.
Link bài viết
Tiếp theo, tế bào sẽ hiển thị các mảnh protein lên trên bề mặt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra rằng các mảnh protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể chống lại những mảnh protein này, điều này giống như những gì xảy ra trong nhiễm trùng tự nhiên Covid-19.
Sau một thời gian, cơ thể học được cách bảo vệ chống lại sự lây nhiễm Covid-19 trong tương lai. Như vậy, vắc-xin mRNA mang lại lợi ích giống như tất cả các vắc-xin khác, là giúp cơ thể chống lại sự tấn công của virus gây bệnh Covid-19.
Được biết, ưu điểm lớn nhất của phương pháp sản xuất vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA là không cần nuôi protein virus tinh khiết, giúp tiết kiệm hàng tháng, hàng năm chuẩn hóa và đẩy mạnh sản xuất. Vắc-xin đặc biệt phù hợp trong tình hình dịch bệnh leo thang nhanh chóng.
Tại Việt Nam, vào ngày 8/5/2021 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. Bộ chủ trương đa dạng hóa các nguồn công nghệ, thực hiện nhanh nhất hoạt động chuyển giao, sản xuất vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khẩn trương đàm phán mua trọn gói công nghệ tiên tiến nhất (mRNA) để sản xuất tại Việt Nam; mua và chuyển giao các công nghệ tiềm năng khác. Đồng thời, Việt Nam tham gia vào các cơ chế chia sẻ công nghệ chung của WHO.