M&A lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Đôi bên cùng lợi
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 08:00, 17/05/2021
Những thương vụ mới
VPBank mới đây đã ký kết thành công thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với giá 1,37 tỷ USD cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) của Nhật Bản. Với giá bán trên, có thể thấy mức định giá của SMFG dành cho FE Credit lên đến 2,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với những dự báo trước đó và trở thành thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Được biết, SMFG hiện là cổ đông chiến lược của Eximbank với tỷ lệ sở hữu 15% và là cổ đông lớn của Tập đoàn Bảo hiểm Bảo Việt, sau khi đã bỏ ra hơn 4.000 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 22% tại Bảo Việt từ cuối năm 2019.
Một ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch bán vốn công ty tài chính cho nước ngoài là SHB, khi trong đại hội cổ đông mới đây lãnh đạo nhà băng này cho biết việc bán vốn tại SHB Finance đang được thương thảo với một số đối tác nước ngoài và dự kiến sẽ hoàn tất ngay trong năm 2021 này.
MSB sau khi ký kết hợp đồng bán 50% vốn FCCOM cho Hyundai Card trong năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và Hyundai lại chuyển hướng kinh doanh nên không hoàn thành thương vụ này, do đó MSB đang làm việc với một đối tác nước ngoài khác và hiện gần như đã kết thúc quá trình đàm phán để định giá.
Không chỉ bán vốn ở công ty con, nhiều ngân hàng đang có kế hoạch tiếp tục bán vốn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, như LienVietPostBank cho biết chuẩn bị bán 4,99% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nam Á cũng sẽ chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài với lượng cổ phần theo quy định trong số 143 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ trong năm nay.
Với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 50.000 tỷ đồng vào cuối năm nay, Vietcombank dự kiến phát hành cho đối tác chiến lược Mizuho (Nhật Bản) tối thiểu 46 triệu cổ phiếu để giữ tỷ lệ sở hữu ít nhất 15% và phát hành thêm cho nhà đầu tư khác. Ngân hàng Quốc Dân đã lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và được cổ đông thông qua từ năm 2017, đang trong tìm kiếm đối tác. Các ngân hàng như OCB, SCB, Bản Việt cũng đều có kế hoạch bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài trong thời gian tới.
Đôi bên cùng lợi
Với nền kinh tế phát triển ổn định, sức hút từ dân số trẻ, tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua, Việt Nam đã trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, trong đó ngành tài chính - ngân hàng nổi lên như là một trong những lĩnh vực hấp dẫn khối ngoại nhất khi còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Đặc biệt, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển rất lớn, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân tăng lên trong những năm tới, vì vậy nhà đầu tư quốc tế quan tâm và nhanh chóng rót tiền cũng là điều dễ hiểu.
Trước thương vụ của VPBank, HDBank và MBBank cũng đã bán 49% vốn ở công ty tài chính tiêu dùng cho đối tác Nhật Bản, trong khi các thương vụ thoái vốn khỏi mảng bán lẻ, tài chính tiêu dùng thời gian qua của các nhà băng ngoại như ANZ hay Commonwealth đều nhanh chóng có các đối tác mua lại.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển rất lớn, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân tăng lên trong những năm tới, vì vậy nhà đầu tư quốc tế quan tâm và nhanh chóng rót tiền cũng là điều dễ hiểu.
Theo thống kê thì dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đã đạt mức khá cao, 1,8 triệu tỷ đồng tới năm 2020, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng. Đây là con số ấn tượng với tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam.
Hồi năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược này yêu cầu rất rõ nhiệm vụ là “phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen”.
Về phần mình, việc thoái vốn khỏi công ty con sẽ giúp các ngân hàng có khoản lợi nhuận lớn, nhưng điều quan trọng hơn là sẽ giúp tăng nội lực tài chính và mở rộng quy mô kinh doanh của chính các ngân hàng lẫn công ty con. Như trường hợp của VPBank, sau khi bán vốn tại FE Credit, ngân hàng này có vốn chủ sở hữu tăng mạnh, theo đó, dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 75.000 tỷ đồng vào năm 2022.
Chẳng những vậy, với sự tham gia của đối tác ngoại, các công ty tài chính tiêu dùng có thêm kênh tiếp cận vốn rẻ từ nước ngoài, tạo điều kiện mở rộng hoạt động và có lợi thế, năng lực cạnh tranh tốt hơn.
Với kinh nghiệm và nguyên tắc điều hành theo chuẩn mực quốc tế, cổ đông chiến lược nước ngoài có thể giúp nâng tầm hoạt động của các tổ chức tài chính Việt Nam. Đáng lưu ý là với việc bán vốn cổ phần của các công ty con ở mức không quá 50%, các ngân hàng vẫn nắm giữ được phần lớn cổ phiếu của các công ty này để chi phối hoạt động.