Doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh sẽ xử lý thuế như thế nào?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:00, 20/05/2021
![]() |
Theo Tổng cục Hải quan, Khoản 17 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 39 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định các trường hợp kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất: “Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan hải quan... Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện nhập khẩu sản phẩm xuất khẩu ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan; các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro”.
Khoản 4 Điều 57 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại Khoản 37 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn hoạt động tại địa chỉ đã thông báo thì phối hợp cơ quan thuế nội địa hoặc chính quyền địa phương (cấp xã, phường, thị trấn) hoặc ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nơi quản lý địa bàn tổ chức, cá nhân đã thông bảo tiến hành lập biên bản, trong đó nêu rõ tổ chức, cá nhân không hoạt động tại địa chỉ đã thông báo”.
Cũng tại Khoản 6 Điều 57 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại Khoản 37 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định về xử lý kết luận kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; năng lực gia công, sản xuất: “Trường hợp đã xác định tổ chức, các nhân đã bỏ trốn, mất tích thì thực hiện theo quy định tại Điểm b.2 Khoản 4 Điều 60 Thông tư này”.
Điểm b.2 Khoản 4 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại Khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định: “Đối với tổ chức, cá nhân bỏ trốn, mất tích mà cơ quan hải quan không có định mức thực tế để xác định số tiền thuế thì sử dụng định mức thực tế đối với hàng hoá tương tự của tổ chức, cá nhân khác. Sau khi xác định được số tiền thuế thì hoàn thiện hồ sơ và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền điều tra về tội buôn lậu, trốn thuế theo quy định của Bộ Luật hình sự".
Đối chiếu với các quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn đối với doanh nghiệp có dấu hiệu không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, chưa đến thời hạn nộp báo cáo quyết toán thì cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất. Trường hợp kiểm tra xác định doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đã thông báo, cơ quan hải quan phối hợp cơ quan thuế nội địa hoặc chính quyền địa phương hoặc ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nơi quản lý địa bàn doanh nghiệp đã thông báo tiến hành lập biên bản xác nhận về việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã thông báo.
Sau khi kiểm tra, lập biên bản về việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã thông báo, cơ quan hải quan có cơ sở xác định doanh nghiệp không còn hoạt động, đã bỏ trốn, mất tích.
Theo đó, các bước thực hiện như sau: Cơ quan hải quan thực hiện xác định số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp theo hướng dẫn tại Điểm 1, Điểm 2 Công văn số 7420/TCHQ-TXNK ngày 28/11/2019 sau đó lập phụ lục kèm hồ sơ chuyển cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo hướng dẫn tại Điểm 3 Công văn 7420/TCHQ-TXNK nêu trên.
Trường hợp sau khi cơ quan có thẩm quyền điều tra xác định vụ việc không có dấu hiệu của tội buôn lậu, trốn thuế, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu, chứng từ, sổ sách kế toán của doanh nghiệp (nếu còn điều kiện), đối chiếu quy định tại Điều 52 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, trường hợp đủ cơ sở thì thực hiện ấn định thuế.
Tuy nhiên, trong trường hợp không thi hành được quyết định ấn định thuế thì thực hiện xác minh thông tin các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Cơ quan Hải quan căn cứ Điều 4 Nghị quyết số 94/2019/QH14, Điều 83 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, hồ sơ vụ việc, thời điểm phát sinh để xử lý nợ, khoanh nợ theo quy định của pháp luật.