Cổ phần hóa: Vẫn cần doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt
Trong nước - Ngày đăng : 06:02, 24/05/2021
Phương án một, chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thuộc Thành phố để tiếp nhận, quản lý 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), bao gồm Saigontourist thực hiện CPH. Phương án hai, chấp thuận chủ trương không CPH Saigontourist khi Thủ tướng phê duyệt danh mục DNNN thực hiện CPH giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Phong, Saigontourist thuộc nhóm CPH, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Các DNNN do TP.HCM quản lý thuộc diện CPH đang có 29 khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất (đây là các khoản bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị tiền thuê đất trong một thời gian xác định) với các tổ chức nước ngoài.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, Saigontourist đang quản lý 4 khách sạn gồm Bến Thành - Rex, Cửu Long - Majestic, Hoàn Cầu - Continental và Kim Đô có giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cần được bảo tồn và có vị trí tại trung tâm thành phố.
Hơn nữa, Saigontourist đang có trên 50 phần vốn góp tại các DN khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trải dài hầu hết tỉnh - thành phố trên cả nước và phần lớn DN này đang sử dụng bất động sản có vị trí đắc địa tại địa phương, có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của TP.HCM, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố giao.
Với lợi thế mà Saigontourist đang nắm giữ, nếu được Thủ tướng phê chuẩn đề xuất trên, Thành phố sẽ có cơ sở điều chuyển thêm vốn góp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn (của các DNNN thực hiện CPH) về Saigontourist quản lý, tạo điều kiện nâng cao vai trò của Saigontourist.
Tuy nhiên, sau đề xuất của UBND TP.HCM, một số ý kiến lại cho rằng, đề xuất thành lập DNNN mới của UBND TP.HCM là giải pháp không phù hợp và việc chuyển vốn từ DN này sang DN khác cần phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, cần được tính toán để bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan. Hơn nữa, lĩnh vực du lịch, khách sạn không nằm trong diện được thành lập mới DN 100% vốn nhà nước.
Ở chiều ngược lại, cũng có nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất của UBND TP.HCM, bởi 4 khách sạn mà Saigontourist đang sở hữu là 4 công trình kiến trúc rất đẹp, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP.HCM, cần bảo tồn và sử dụng hiệu quả hơn.
Thực tế ở mọi quốc gia, kể cả các nền kinh tế thị trường phát triển, sự tồn tại các DNNN là điều cần thiết, thậm chí là quan trọng. Ở Việt Nam, Nhà nước chủ trương rút vốn nhà nước và DNNN ra khỏi những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, phải linh hoạt theo hướng có thu hẹp và cũng có đầu tư mới, mở rộng để có được chỉ số hiệu quả theo cơ chế thị trường. Việc "mới" và "mở rộng" này phải dựa trên lợi thế sẵn có của DN.
Như vậy, xét theo lợi thế có sẵn như đã nêu của Saigontourist, lại là tập đoàn du lịch hàng đầu Việt Nam với hệ thống trên 100 khách sạn, có lượng khách hàng đông đảo và nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước... Đặc biệt hơn là với những "tài sản" có tính chất đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc... phải thuộc về quyền Nhà nước quản lý, bảo tồn nhằm phục vụ chung cho cộng đồng thì đề xuất của Thành phố là có cơ sở. Nói như TS. Đinh Thế Hiển, không phải cái gì của Nhà nước cũng bán.
Cũng có một số chuyên gia cho rằng, quá trình định giá đất của các tài sản thuộc DNNN phải CPH dường như chưa được đánh giá đầy đủ về yếu tố vị trí trọng yếu và liên quan đến an ninh, quốc phòng trong tầm nhìn dài hạn. Vậy nên, TP.HCM cần lập đề án chi tiết nếu triển khai lập công ty 100% vốn nhà nước để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh và quản lý vốn nhà nước.
Một thực tế khác cho thấy, những năm qua, bên cạnh một số DNNN được CPH hoạt động hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng về pháp lý khiến CPH trở thành nguyên nhân làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Nhiều tài sản, thương hiệu của DNNN - là niềm tự hào của Việt Nam lại trở thành sở hữu của một số tư nhân hoặc công ty, tập đoàn tư nhân. Tình trạng quản lý lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi sau CPH đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của DN sau CPH là điều có thật. Vì thế, lộ trình CP tiếp theo, rất cần chặt chẽ hơn, một khung pháp lý rõ ràng, không còn kẽ hở để tài sản của Nhà nước không bị thiệt hại.
Qua tìm hiểu ở một số nước, nếu cá nhân, tập đoàn hay công ty nào muốn mua lại cổ phần của DNNN thì phải có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực kinh doanh chứ không phải cứ có tiền là mua được. Bởi như thế mới có thể đảm bảo tiếp tục kinh doanh hiệu quả và bảo tồn những giá trị và tài sản thương hiệu đã có.
Thiết nghĩ, việc chuyển đổi những DN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang DN có nhiều chủ sở hữu là việc vẫn cần làm và cần thiết, bởi qua đó sẽ huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, phương thức quản lý để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về phía đơn vị, cá nhân đầu tư cổ phần vào DNNN cũng để gia tăng giá trị cổ phần, làm gia tăng thêm giá trị và phát triển các sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, với những DNNN đang giữ vai trò dẫn dắt một ngành hay lĩnh vực hiệu quả, nhất là đang đảm trách nhiệm vụ chính trị như Saigontourist thì vẫn cần có phương án CPH đúng và hợp lý.
Theo tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị du lịch hàng đầu châu Á với 4 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, gồm tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2021-2025 từ 8-9%, tổng doanh thu của ngành đạt từ 12-14 tỷ USD, đóng góp vào GRDP Thành phố từ 12-14%, đóng góp vào ngành dịch vụ của Thành phố từ 19-21%.
Nếu TP.HCM có một DN du lịch lớn làm vai trò dẫn dắt, là trung tâm trong triển khai chính sách phát triển ngành sẽ đóng góp cho Thành phố tăng trưởng tốt hơn nữa. Bởi hoạt động kinh doanh của các DN lớn sẽ luôn tạo ra nhu cầu cho các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trung gian, dịch vụ hỗ trợ.