Nhanh và chậm khi Covid-19 bùng phát

Du lịch - Ngày đăng : 01:00, 29/05/2021

Thời có đại dịch, cả thế giới lao đao bởi chưa có “công thức vàng” chống con virus SARS-CoV-2, mỗi quốc gia tìm cách chống dịch khác nhau. Việt Nam thì kiên quyết với 5K để đạt mục tiêu kép: chống dịch và phát triển kinh tế.
Nhanh và chậm khi Covid-19 bùng phát

Báo chí đăng đầy “lịch trình khủng” của nhiều người mắc Covid-19 khiến phản ứng không thể không phản ứng. Người thì bảo, phải đưa tin chỉ đích danh kẻ làm lây lan SARS-CoV-2 để dễ truy vết, cách ly dập dịch. Người khác mắng mỏ, ăn chơi gì mà lắm thế. Hết phở, cà phê lại quán nhậu, hết karaoke lại bida, golf. Người nữa cho rằng, đưa tin chỉ đích danh làm tội nghiệp người ta, bởi họ đâu biết trong mình đã có con virus độc hại, nhân đàn nhanh như chớp, lại còn biến thể để “thích nghi” với kháng thể của con người. Có người còn viết, đừng phê phán, còn mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Họ đâu biết sẽ bị lây bệnh, họ đi nghỉ, đi ăn cũng là kích cầu tiêu dùng.

Nhưng gì thì gì, phải tránh thái độ cực đoan do quá hoảng sợ mà cư xử với người nhiễm bệnh như... tội phạm. Cả làng chửi cậu kia bưng tráp phù rể bị bệnh là do tham tiền. Nhà nọ chuyển nhà khỏi chung cư, nhiều người nghi là đã nhiễm SARS-CoV-2 nên bỏ chạy, bắt phải tìm cho ra để đưa đi cách ly.

Lần này dịch đã bùng lên khác trước. Không tìm được F0, lại rộ lên nhiều nơi. Dịch còn phát ra ở nhiều bệnh viện, nên Việt Nam càng phải tấn công chúng tích cực hơn. Phải xét nghiệm chủ động, xét nghiệm ngẫu nhiên để phát hiện dịch bệnh.

Một đêm thôi, tất cả bệnh viện ở TP.HCM xét nghiệm từ nhân viên, bệnh nhân đến người nhà theo nuôi. Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô phát hiện hai ca, không phong tỏa cả bệnh viện mà chỉ ở hai khoa. Tức là không khoanh vùng tất cả, mà khoanh cụ thể, tìm triệt để con virus. TP.HCM cảnh giác, lập chốt kiểm soát các ngả ra vào nhưng học sinh lớp 9 và lớp 12 vẫn trở lại trường, triệt để thực hiện 5K.

Báo chí các nước vừa đưa tin, Ủy ban Độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19 (IPPR) vừa điều tra theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã đưa ra kết luận: “Việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra một loạt quyết định kém hiệu quả càng làm gia tăng quy mô và mức độ nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra. Hậu quả là đại dịch đã khiến ít nhất 3,3 triệu người tử vong cho tới nay, trong khi nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề”.

Theo IPPR, nhiều thể chế đã không bảo vệ được người dân, trong khi không ít nhà lãnh đạo phủ nhận các dữ liệu khoa học, đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các biện pháp can thiệp y tế. Sự thiếu khẩn trương trong việc phản ứng sớm với đợt bùng phát dịch Covid-19 được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019 đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, khi tháng 2/2020 trở thành "tháng mất mát" nghiêm trọng trong bối cảnh tình trạng báo động chưa được các nước chú ý đúng mức. IPPR cũng cho rằng, WHO lẽ ra phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) với mức cảnh báo cao nhất, vào ngày 22/1/2020. Thay vào đó, phải mất 8 ngày tổ chức này mới thực hiện điều này. Sau đó, chỉ đến tháng 3/2020, sau khi WHO công nhận Covid-19 là đại dịch, các quốc gia mới ý thức sự nguy hiểm của tình hình và mới thực sự "vào cuộc" phát triển phương pháp chẩn đoán và điều trị thông qua chương trình hợp tác toàn cầu "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19" do WHO dẫn dắt nhằm phân phối vaccine ngừa SARS-CoV-2 và thuốc điều trị cho những quốc gia nghèo.

Như vậy, phải rút ra kinh nghiệm là phải phát hiện dịch và hành động nhanh, chuẩn bị lực lượng y tế, vaccine; và dịch bệnh toàn cầu đòi hỏi phản ứng toàn cầu.

Việt Nam đang chống dịch như chống giặc, không lơ là, không cực đoan ngăn sông cấm chợ, toàn dân cùng Chính phủ dập dịch và xây dựng kinh tế.

Vậy nếu nhìn toàn cầu, ai cũng phải suy nghĩ: Cái gì phải nhanh? Phải phòng bệnh, cảnh giác, tích cực hành động để bảo vệ  cộng đồng. Vừa dập dịch vừa vận hành nền kinh tế ít nhất cũng ổn định. Cái gì phải chậm lại? Sống chậm lại, bỏ bớt nhu cầu chưa thật thiết yếu để bảo vệ chính mình và cộng đồng. 

Quảng Yên