“Bỏ thuốc lá” giảm nguy cơ tử vong do Covid-19
Sống khỏe - Ngày đăng : 07:30, 31/05/2021
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là thủ phạm của hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, trong đó có 7 triệu người hút thuốc lá chủ động, 1,2 triệu người hút thuốc thụ động (tức chỉ hít khói thuốc từ người khác mà không hút trực tiếp).
Hiện nay, các thống kê ghi nhận được thế giới đang có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, 80% trong số đó sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
WHO nhận định thuốc lá là “nguyên nhân hàng đầu của cái chết, bệnh tật và sự bần cùng”. Tổ chức này cũng tuyên bố thuốc lá có thể giết chết một nửa số người sử dụng.
Các nhà khoa học đã tìm ra khoảng 2.550 hợp chất trong thuốc lá và hơn 4.000 hợp chất trong khói thuốc lá. Nhiều hợp chất trong số này có độc tính cao và ảnh hưởng lâu dài không chỉ lên sức khỏe người dùng mà còn cả những người vô tình hít phải khói thuốc. Cụ thể, trong thuốc lá có nhiều hợp chất nguy hại như nicotine, nitrosamine, chất cực độc polonium-210... và hơn 40 chất có thể gây ung thư khác.
Khói thuốc lá có chứa carbon monoxide (CO), thiocyanate, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và dư lượng thuốc trừ sâu... ảnh hưởng đến hầu hết mọi tế bào sống, thúc đẩy bệnh tật và ức chế khả năng miễn dịch.
WHO nhận định thuốc lá có thể làm tổn thương gần như mọi cơ quan trong cơ thể, gồm: phổi, tim, mạch máu, cơ quan sinh sản, miệng, da, mắt, xương... Ngoài việc tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh ung thư như miệng, vòm họng, cổ tử cung, gan, thận, tuyến tụy, ruột kết…, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML); gây viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng; gây hại cho tim và mạch máu; làm suy giảm chức năng khứu giác, vị giác; tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp, tiểu đường loại 2, lão hóa sớm...
Từ lâu, WHO cũng nhấn mạnh tất cả các dạng thuốc lá đều có hại và không có mức phơi nhiễm nào là an toàn. Đặc biệt, những sản phẩm thuốc lá được giới thiệu là “không độc hại”, “giúp cai được thuốc lá truyền thống”, chẳng hạn thuốc lá điện tử (e-cigarette) cũng gây nhiều tác hại không kém cho sức khỏe người sử dụng.
Ngoài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và rối loạn chức năng phổi, nghiên cứu gần đây của Đại học California (Mỹ) còn phát hiện hút thuốc lá điện tử có thể khiến tế bào gốc của não bị hủy hoại, từ đó đẩy nhanh quá trình lão hóa, suy thoái hệ thần kinh và kéo theo nguy cơ suy giảm trí nhớ, khả năng nhận thức, học tập… của người sử dụng.
Đặc biệt, trong thông điệp mới đây nhân ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5, T.S. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: “Người tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19 cao hơn 50% so với người bình thường”. Nguyên nhân chính, SARS-CoV-2 tấn công vào phổi là chủ yếu, trong khi hút thuốc lá (cả chủ động và thụ động) khiến phổi dễ bị tổn thương hơn.
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 được WHO tổ chức từ năm 1987 nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về những tác hại chết người mà các loại thuốc lá gây ra.