Cần hướng nguồn vốn vào sản xuất
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 02/06/2021
TS. Đinh Trọng Thịnh |
* Dòng vốn vào thị trường nhưng không phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh đang gây nhiều lo ngại bong bóng tài sản. Ông nhận định thế nào về điều ấy?
- Về lý thuyết, nới lỏng tiền tệ phát huy tác dụng trong điều kiện thông thường, khi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khó khăn dẫn tới chi phí vốn cao, không khuyến khích đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng.
Đã ba lần Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm trong năm 2020. Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã giảm xuống 4%/năm, kỳ hạn 6-13 tháng, lãi suất cao nhất là 5,6%/năm. Trong bối cảnh này, người gửi tiền phải đắn đo, tính toán đến lĩnh vực đầu tư để sinh lời. Vì thế, một lượng vốn rất lớn đã chảy vào chứng khoán và bất động sản (BĐS).
Thực ra đó là thuận theo quy luật của kinh tế thị trường, tức dòng vốn thường chảy vào nơi có lợi nhuận cao, nhưng đồng thời dễ dẫn đến bong bóng tài sản. Hơn một lần, chúng tôi đã cảnh báo về điều này.
Từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường chứng khoán có thêm những yếu tố mới để thu hút vốn. Nền kinh tế dần ấm lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân dần hồi phục, đẩy nhu cầu đầu tư tăng lên. Thứ nhất là BĐS nhà đất và BĐS công nghiệp trở thành một lĩnh vực có sức hút lớn. Thứ hai là thị trường chứng khoán hồi phục vào cuối năm 2020 sau thời gian trầm lắng. Thứ ba là nền sản xuất có tăng trưởng dù khó khăn rất lớn do dịch Covid-19. Nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn có nhưng bị chi phối bởi nhiều nhân tố, nhất là chuẩn mực cho vay, khó khăn trong sản xuất khiến nhiều DN không trả được nợ, nên họ không dám vay và không được vay. Điều này dẫn đến đọng vốn trong hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính trung gian, bất chấp lãi suất cho vay giảm dần.
* Như ông nói, các giải pháp hiện có là chưa đủ tác động kìm giữ việc hình thành bong bóng tài sản trong nền kinh tế...
- Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã không để bong bóng phình to, gây ảnh hưởng đến tín dụng cũng như việc sử dụng vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế có thời điểm tăng trưởng vốn vay vào BĐS vẫn có tốc độ cao hơn tốc độ tăng trưởng vốn vay. Hay với thị trường trái phiếu DN, huy động vốn trong thời gian không như mong muốn của các nhà lập chính sách. Bộ Tài chính đã có những văn bản quy định về cơ chế phát hành, siết chặt phát hành trái phiếu DN, nhưng vẫn có một lượng trái phiếu tương đối lớn được phát hành mà không đảm bảo yêu cầu trái phiếu của một thị trường lành mạnh. Hiện nay, trái phiếu của DN BĐS chiếm tỷ lệ hơi cao trong tổng trái phiếu phát hành của thị trường. Đây là một trong những điều cần được quan tâm hơn, nhằm hướng nguồn vốn vào đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh, giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong bối cảnh mới.
Định hướng năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước là tín dụng tăng khoảng 12%, ưu tiên tín dụng chảy vào sản xuất, kinh doanh, hạn chế lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý I/2021 của toàn ngành đạt 2,93% đã góp phần vào kết quả tăng trưởng GDP 4,48%. Trong ba tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng BĐS ước đạt 3%, cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (2,93%). Tín dụng BĐS chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế và Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này.
* Theo ông, lý do nào khiến nhiều nhà đầu tư và người dân không đầu tư vào sản xuất mà tập trung vốn vào các kênh rủi ro?
- Rủi ro cao thì lợi nhuận lớn. Nhiều nhà đầu tư vẫn giữ quan điểm rủi ro đầu tư vào BĐS và chứng khoán là không cao lắm, nên vẫn đầu tư. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng đổ tiền mua thêm và mua lượng lớn BĐS, cho thấy nhận thức và hiểu biết về thị trường chưa đầy đủ. Trong khi đó, việc nhiều quốc gia trên thế giới bơm rất nhiều tiền vào nền kinh tế đã có dấu hiệu phát huy tác dụng, sản xuất hồi phục, đẩy giá nguyên liệu đầu vào và lạm phát tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường Việt Nam. Thực tế này làm cho sức ép tăng giá trở nên rõ ràng hơn, khiến lạm phát trở thành vấn đề lớn. Lãi suất huy động cuối quý I và đầu quý II đã dần tăng so với tháng 2 - thời điểm một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động đối với một số khách hàng lớn. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng đã tăng lãi suất tiền huy động.
* Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát, bong bóng tài sản sẽ tác động như thế nào đến DN, thưa ông?
- Bong bóng tài sản sẽ là vật cản đối với nền sản xuất và tăng trưởng kinh tế do một lượng lớn tài sản bị ghìm giữ trong thị trường BĐS và chứng khoán. Nhưng hiện nay lượng vốn nằm trong BĐS và chứng khoán chưa lớn đến mức có thể gây ảnh hưởng đến nền sản xuất. Hơn nữa, tăng giá BĐS có biểu hiện bong bóng ở một số địa phương mới đây đã nhanh chóng được dẹp bỏ.
Mặc dù tín dụng vào BĐS tăng cao hơn tín dụng vào nền kinh tế, nhưng đến thời điểm này, chúng ta có thể tạm yên tâm bong bóng tài sản đã được kiểm soát, dòng vốn đang được hướng đến sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế.
* Cảm ơn ông!