Vụ kiện đòi bồi thường 1.000 tỷ: Được và mất?
Trong nước - Ngày đăng : 09:44, 04/06/2021
Vì sao khởi kiện?
Cho rằng bà Phương Hằng xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm và thương hiệu sản phẩm của mình gây tổn thất nghiêm trọng, bà Lê Thị Giàu đã gửi đơn kiện với yêu cầu buộc bà Hằng gỡ bỏ toàn bộ các video nói xấu, đồng thời bồi thường tổn thất thiệt hại tinh thần và uy tín doanh nghiệp là 1.000 tỷ đồng.
Đưa ra số tiền 1.000 tỷ đồng, bà Giàu cho rằng, thương hiệu mỳ chay Lá Bồ đề và dầu Nhị Thiên Đường của Công ty Bình Tây đang xuất khẩu đi Mỹ, Châu Âu và nhiều nước khác, nhưng từ khi bị bà Hằng livestream bôi nhọ, xúc phạm danh dự cá nhân bà Giàu và công ty, bà Giàu đã bị nhiều đối tác nghi ngờ, thậm chí có đối tác đã ngưng ký hợp đồng vì cho rằng bà Giàu là người "siêu lừa đảo". Mỗi hợp đồng có giá trị hàng tỉ, hàng chục tỉ đồng, nhân lên với hàng chục đối tác thì ra con số cả nghìn tỉ đồng.
Theo LS. Nguyễn Hồng Lâm- Đoàn Luật sư TP.HCM, nếu căn cứ các quy định pháp luật về bồi thường tổn thất thiệt hại tinh thần thì yêu cầu bồi thường 1.000 tỷ của bà Giàu là không khả thi, vì theo quy định tại Bộ luật Dân sự, bà Giàu chỉ được quyền yêu cầu bồi thường tối đa là 14,9 triệu đồng do bị thiệt hại về tinh thần (không quá 10 tháng lương theo mức lương cơ sở, mức lương cơ sở hiện nay được quy định là 1,49 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, ngoài yêu cầu bồi thường tổn thất thiệt hại tinh thần, bà Giàu còn có yêu cầu “bồi thường thiệt hại về uy tín doanh nghiệp”. Yêu cầu này không bị pháp luật hạn chế về số tiền đòi bồi thường nên bà Giàu có đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” với số tiền 1.000 tỷ đồng.
Liệu bà Giàu có được bồi thường 1.000 tỷ đồng?
Câu trả lời của của LS.Nguyễn Hồng Lâm là không khả thi và rất nhiều khả năng không được tòa chấp nhận. Bởi theo LS.Lâm, nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh hành vi xúc phạm uy tín doanh nghiệp (của bà Hằng) là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại 1.000 tỷ đồng cho nguyên đơn. “Có 3 yếu tố pháp luật cơ bản của vụ án này cần xem xét: Có thiệt hại vật chất 1.000 tỷ đồng (phải chứng minh); Có lỗi của bà Hằng (bị đơn); Có mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại (lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại). Nếu hội đủ cả 3 yếu tố trên thì bà Giàu mới có cơ may thắng kiện”, LS.Lâm nói.
Khởi kiện: Được gì, mất gì?
Có nhiều câu hỏi đặt ra: ‘Nếu đơn kiện của bà Giàu không được tòa án chấp nhận thì bà Giàu sẽ được gì? Mất gì? Bởi chỉ tính riêng việc phải nộp án phí khởi kiện đã lên đến 1,72 tỷ (tạm nộp 50% là 860 triệu đồng), trong khi nếu được tòa xử bồi thường danh dự, số tiền được bồi thường tối đa chỉ là 14.900.000 đồng” thì bà Giàu đã...bị thiệt hại quá lớn.
Thế nhưng, với một doanh nhân có kinh nghiệm hàng chục năm trên thương trường như bà Giàu, chắc chắn khi khởi kiện không thể không có đội ngũ luật sư tư vấn nên khả năng bị...thiệt là không. Bởi theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 12 Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án, thì bà Giàu năm nay 62 tuổi, theo Luật người cao tuổi, bà thuộc trường hợp được miễn án phí theo quy định pháp luật.
Cũng có người cho rằng, việc đưa ra con số bồi thường 1.000 tỷ cũng là cách để bà Giàu làm truyền thông, tạo sự chú ý, tò mò của dư luận, kéo theo một lượng lớn người quan tâm, theo dõi. Thực tế cho thấy, khi đơn kiện được công bố thì ngay lập tức, các diễn đàn mạng và cả báo chí đều đồng loạt vào cuộc đăng đàn. Ngoài việc liên quan đến cái tên đang hot: Phương Hằng thì sức nóng của vụ kiện chính là con số 1.000 tỷ đòi bồi thường...quá khủng.
Song, đều đáng nói hơn là dù thắng hay thua trong ‘cuộc chiến” kiện tụng này thì có lẽ, cả hai doanh nhân Lê Thị Giàu và Nguyễn Phương Hằng đều bị mất nhiều hơn được. Dẫu rằng là người "bị" làm tổn thương nhưng nếu vụ kiện của Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Tây diễn ra "âm thầm" hơn, có lẽ dư luận cũng sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy ồn ào như những ngày qua.
Trong lúc cả nước đang nỗ lực xây dựng hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu, cộng đồng doanh nhân đang cố gắng khẳng định mình với xã hội và cả cộng đồng doanh nhân thế giới. Nhất là thời điểm này, cả nước đang gồng mình chống dịch thì những việc kiện tụng, bêu xấu nhau trên mạng xã hội, lại do chính các doanh nhân- những người nhiều tiền, thành đạt, được xem là trụ cột dẫn dắt nền kinh tế tạo ra và đang lao vào cuộc tranh cãi lùm xùm, thì đó là điều đáng tiếc. Bởi chưa cần biết ai đúng, ai sai nhưng ít nhiều hình ảnh đẹp của một doanh nhân cũng bị mất mát, niềm tin yêu, sự tôn trọng của cả cộng đồng, xã hội dành cho họ cũng bị vơi đi phần nào.
Chỉ cần lướt qua một số trang tin, diễn đàn mạng gần đây cũng có thể thấy không ít lời đàm tiếu bình luận chê cười, chỉ trích. Và đó là cái mất lớn.
Thiết nghĩ, với sứ mệnh của một doanh nhân với đất nước, cùng với đó là năng lực kinh doanh cũng như khả năng tạo được sức lôi cuốn đông đảo cộng đồng thì ngoài tiền của, vật chất đóng góp cho xã hội, các doanh nhân có thể tận dụng lợi thế của mình để truyền cảm hứng, lôi cuốn, định hướng cộng đồng, nhất là các bạn trẻ sống đẹp hơn, tích cực hơn và yêu thương nhau nhiều hơn. Bởi, chính điều tưởng chừng nhỏ bé đó lại đóng góp vô cùng lớn- hơn cả tiền, để tạo ra một xã hội văn minh hơn, nhân văn hơn. Đó mới là điều đáng quý, đáng tôn vinh và trân trọng.