Đọc lại Lê Lựu

Sách hay - Ngày đăng : 08:36, 06/06/2021

Lê Lựu là một trong những cây bút có đóng góp quan trọng đối với văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tác phẩm của ông mang khuynh hướng nhận thức hiện thực và chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Đọc lại Lê Lựu

Ấy thế nhưng, đã khá lâu, những tác phẩm của Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương mà không còn trên giá sách của các nhà sách. Những độc giả hôm nay muốn tìm đọc các tác phẩm của Lê Lựu chỉ có thể tìm trên internet với dung lượng không đầy đủ.

Trong lần “tái ngộ” này, độc giả được gặp lại Núi của Sóng ở đáy sông và Giang Minh Sài của Thời xa vắng. Để tiếp cận độc giả trẻ, sách được đơn vị xuất bản thay lớp áo mới, do họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa, họa sĩ Linh Giang minh họa, sinh động và hấp dẫn hơn.

1. Là người tiên phong trong phong trào đổi mới tiểu thuyết, những trang viết của Lê Lựu phản ánh chân thực những mảnh đời muốn thay đổi nhưng lại bị xã hội ghì lại với những hủ tục. Nhân vật Giang Minh Sài trong tác phẩm Thời xa vắng là một điển hình.

Cốt lõi của Thời xa vắng như lời nhân vật Giang Minh Sài nói khi biết tình yêu và cuộc hôn nhân với Châu là sai lầm: “Nửa đời người phải yêu cái người khác yêu, nửa còn lại đi yêu cái mình không có, đến bây giờ mới biết mình như thế nào thì lại…”. Chỉ đến khi trở về quê nhà, Sài mới sống thật với ước mơ và dựng xây cuộc sống anh thầm mong muốn.

Nhà lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Với Thời xa vắng, Lê Lựu viết cho ông, rút ruột ra mà kể chuyện của chính ông, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời”.

Thời xa vắng là một câu chuyện dài, nhiều mảnh đời đan xen chồng chéo mà mảnh đời nào cũng được khắc họa một cách sâu sắc, đầy cảm thông. Thời đại ấy tuy đã trôi qua, tưởng như tiêu biến, nhưng trong chính xã hội hiện đại này, nó lại hiện ra theo một kiểu khác và vẫn với những ánh mắt nhìn chòng chọc vào ta, để phán xét, để đánh giá”.

2. Sóng ở đáy sông, tiểu thuyết từng được dựng thành phim truyền hình vào năm 2000, lấy đi nước mắt của bao khán giả. Tác phẩm kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời: Núi - người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần "không thể kìm hãm trước con ở" "đang thời bừng dậy rừng rực". Một số phận không mong muốn. Một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính thống, được sự thừa nhận hợp pháp.

Văn Lê Lựu dù viết về đề tài gì cũng luôn đau đáu về những số phận, những con người chênh vênh giữa nghịch cảnh cuộc đời. Nhưng rồi, chính ông với tấm lòng thiện lương và trái tim đầy cảm thương, giúp họ tìm được lối ra.

“Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối. Bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn…

Một mảng màu tối, nhưng có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Người đọc được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.

Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...”

Thoi-xa-vang-Le-Luu-7985-1622943397.jpg

Tác phẩm của Lê Lựu được khoác một lớp áo mới sinh động và hấp dẫn hơn để tiếp cận lứa độc giả trẻ

3. Về đóng góp của Lê Lựu trong văn đàn, Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Nhân vật văn chương này (Giang Minh Sài) đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào. Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại” 

Độc giả hôm nay đọc lại Lê Lựu để thấy rằng những rối ren đang có không phải của riêng ai, những bất hạnh, trái ngang chẳng phải của một thời. Đọc để mở rộng tấm lòng, đọc để biết nhìn ra xung quanh mà thấm thía giá trị của những điều đang có. Tiểu thuyết Lê Lựu và nhân vật của mấy chục năm về trước vẫn không hề xưa cũ.

“Bi kịch của những nhân vật trong câu chuyện này (Sóng ở đáy sông) vẫn luôn hiển hiện trước mắt chúng ta, ở ngay bên ngoài xã hội kia. Vẫn sẽ có những Núi, Hiền, Mai, Biển, Sông, Ý, những đứa bé như Uyển, Đồi, và những người cha khắc nghiệt, những người mẹ lầm lũi tảo tần, song cũng vẫn có tình người ấm áp để đánh thức thiên lương nơi họ.

Thong thả và không hoa mỹ, câu chuyện trải ra trước mắt bằng hình ảnh của một gia đình giàu có rồi lụn bại, tan nát, và kết thúc bằng một gia đình mới dần được hàn gắn lại bằng các vết khâu dù có đau đớn”.

Mỗi trang viết của Lê Lựu đều vang lên giọng điệu của cuộc sống, giản dị mà sâu sắc. Như Lê Lựu từng viết: “Cuộc đời mà làm gì có đúng hay là sai. Như thế nào là đúng, như thế nào là sai? Chỉ biết là sống không tiếc nuối mà thôi” hay “Muốn nhẹ lòng, hãy từ bỏ những phán xét người khác và biết chấp nhận mọi điều xung quanh, ngay phút đó bình yên trong cuộc sống tràn trề…”.

Những tác phẩm được viết cách đây hai thập niên nhưng từng câu, từng chữ cứ như thuộc về hôm nay. 

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 tại Hưng Yên. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến là: Người cầm súng, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Truyện làng cuội… Lê Lựu là thành viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974. Trên hành trình cầm bút, ông để lại dấu ấn lớn ở mảng đề tài về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Việt Nam.

Qua những trải nghiệm đầy chất “quê”, ông đã xây dựng được Quỹ hoạt động xã hội Lê Lựu, ghi nhận những đóng góp của những người có tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn thông qua những hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

(*) Bài viết có sử dụng trích dẫn của Phạm Giai Quỳnh, nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Hồng Như