Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho doanh nhân

Trong nước - Ngày đăng : 01:28, 10/06/2021

Sáng nay (10/6), tại Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và đại diện các doanh nghiệp, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã đề xuất đưa doanh nhân, công nhân và người lao động vào đối tượng ưu tiên tiêm vaccine.
Đề xuất ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho doanh nhân

Toàn cảnh Hội nghị gặp gỡ trực tuyến giữa lãnh đạo TP và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với chủ đề - Đồng hành cùng DN thực hiện “Mục tiêu kép” tại TP.HCM sáng ngày 10/6

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp (DN) hiện nay chấp hành rất nghiêm quy định 5K, bộ tiêu chí phòng chống dịch của Chính phủ và thành phố ban hành, rất tích cực quyên góp, đóng góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Chính phủ.

Tuy nhiên, DN nhận thấy rằng, trong lúc nhiều quốc gia phát triển, những thị quan trọng như Mỹ, Châu Âu… đang dần đạt miễn dịch xã hội, kinh tế đang mở cửa, thị trường có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam và TP, nhưng DN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được vaccine tiêm phòng cho công nhân, người lao động. Đây có thể sẽ làm ảnh hưởng tới: cơ hội gia nhập thị trường, sức cạnh tranh của DN do bị chậm chân trên các thị trường nước ngoài, quan hệ làm ăn với các đối tác. 

Vì vậy, ông Dũng đề nghị lãnh đạo TP kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình tiêm vaccine phòng dịch covid cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất có thể, đưa đối tượng các doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vaccine vì sự phát triển kinh tế, sau ưu tiên cho tuyến đầu phòng chống dịch, vùng dịch. Đồng thời, tạo điều kiện và hướng dẫn các DN có điều kiện có thể chủ động mua sớm vaccine tiêm phòng cho công nhân của mình.

Qua thời gian dài chịu đựng, DN đang có sự thích ứng nhanh với môi trường “bình thường mới”, khắc phục khó khăn chồng chất để nối lại dòng tiền, nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động; nhiều doanh nghiệp đã tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi công nghệ, sản phẩm và thị trường. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Thống kê, trong Quý I và nửa đầu Quý II năm nay, số DN thành lập mới đạt 16.751 doanh nghiệp, tăng 7,18% so với cùng kỳ. Số DN rút lui khỏi thị trường là 11.582 DN, tăng 18,99% so với cùng kỳ năm ngoái, tính ra trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị thường. 

Các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến DN, mức độ hấp thụ của DN rất thấp.

Do đó, Chủ tịch HUBA tiếp tục đề xuất TP sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của TP, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho DN (tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển), chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng nghỉ chờ việc theo cách của TP. Hỗ trợ các DN phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…

Minh Anh