G7 sẽ viện trợ 1 tỷ liều vaccine cho thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 09:24, 11/06/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, tại vịnh Carbis, Cornwall, Anh, ngày 10/6. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên họp ngày 11/6/2021 của G7, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi lãnh đạo các nước cam kết tiêm chủng cho toàn thế giới bằng cách viện trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19, từ nay cho đến cuối năm 2022. Ông Johnson cho biết, Anh sẽ cung cấp ít nhất 100 triệu liều vaccine cho các quốc gia nghèo nhất, với 5 triệu liều bắt đầu trong những tuần tới.
"Nhờ sự thành công của chương trình vaccine của Anh, chúng tôi có thể chia sẻ một phần lượng vaccine dự trữ cho những nước cần chúng. Bằng cách này, chúng ta sẽ thực hiện một bước tiến lớn trong việc đánh bại đại dịch", Văn phòng Thủ tướng Anh dẫn lời ông Johnson.
Trong số 100 triệu liều vaccine của Anh, 80 triệu liều sẽ được chuyển cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn. Phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các nước có nhu cầu. Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cũng kêu gọi các công ty dược phẩm áp dụng mô hình Oxford-AstraZeneca nhằm cung cấp vaccine với giá thấp trong suốt thời gian xảy ra đại dịch.
Theo Reuters, thông báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng Pfizer cho 92 quốc gia nghèo và có thu nhập dưới trung bình.
Trong khi đó, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tài trợ ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, với Pháp và Đức cam kết cung cấp 30 triệu liều/nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nhóm dược phẩm sản xuất vaccine quyên góp 10% sản lượng cho các quốc gia nghèo.
Các cam kết vừa nêu được đưa ra trong bối cảnh sự kêu gọi chia sẻ vaccine Covid-19 với những quốc gia kém phát triển hơn ngày một tăng. Các tổ chức từ thiện cảnh báo, tình trạng tiêm chủng bất công hiện nay đang dẫn đến "nạn phân biệt chủng tộc bằng vaccine". Trong khi các nước giàu đang tiến gần tới vạch đích của chiến dịch tiêm chủng, như Anh, Mỹ đã tiêm mũi đầu tiên cho lần lượt 77%, 64% người trưởng thành, một số nước nghèo vẫn đang ở "vạch xuất phát".
Anh - nơi đặt hàng hơn 400 triệu liều vaccine, đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì chưa bắt đầu chia sẻ với các nước nghèo hơn. Tuy nhiên, vào đêm trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau gần hai năm, Thủ tướng Johnson cam kết điều đó sẽ sớm thay đổi.
Theo các nhà vận động, cam kết của G7 đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp, nhưng các lãnh đạo thế giới cần phải đi xa hơn, nhanh hơn. "Mục tiêu cung cấp 1 tỷ liều vaccine của G7 nên được coi là mức tối thiểu tuyệt đối và chúng ta cần phải tăng tốc. Chúng ta đang trong một cuộc chạy đua với loại virus này. Nó tồn tại càng lâu thì sẽ càng có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới, nguy hiểm hơn, ảnh hưởng tiến bộ toàn cầu sẽ càng lớn", Lis Wallace tới từ nhóm chiến dịch chống đói nghèo ONE cho biết.