Ở nhà... xem gì cũng là chung tay
Du lịch - Ngày đăng : 06:00, 13/06/2021
Ông bố cau mày: “Theo khoa học người ta nói, vừa ăn vừa xem chi phối tiết dịch vị không có lợi cho tiêu hóa”. Bà vợ tức cười: “Cái gì cũng... ứng dụng khoa học. Ở nhà cái gì thích thì xem chớ”.
Rồi mâm cơm cũng được dọn ra nhưng đến giờ “lai chim” lại giành nhau cái tivi. Bây giờ nhiều nhà có mấy cái, mỗi tầng một cái. Có khi còn “ôm tivi” cho nó nói suốt đêm, ngủ ngay salon. Nhưng ăn cơm thì chỉ có một cái tivi phòng ăn.
Ông bố tất nhiên bảo phải nghe thời sự. Các ca Covid-19 cứ tăng lên hàng ngày, lo lắm. Phải nghe để biết đường lối chống dịch, biết chỗ nào cách ly phong tỏa, biết từng bước đóng cửa dịch vụ gì, bao giờ con cái thi, có thi không? Rồi giãn cách một quận thì làm gì, cả thành phố thì làm gì? Đấy là nghĩa vụ công dân, vừa bảo vệ cho chính mình chứ đừng đùa, vừa góp phần chống dịch.
Còn nghe để biết thế giới người ta làm thế nào, cái gì hay để học, dở để tránh. Đừng có gây nhiễu loạn, chạy lung tung... Thế là yêu nước.
Mấy tháng nay rồi vợ con như bị hút vào một cuộc tranh cãi trên YouTube. Người thì bảo, có sự đấu tranh thẳng thắn của một đại gia sẵn sàng thưởng tiền tỷ cho ai tìm ra chuyện này chi tiết nọ. Cuộc “lai chim” còn hấp dẫn cuốn hút vì đại gia “chửi thẳng” cả những thần tượng của đám đông.
Đứa con bảo: “Đại gia biết dùng từ ngữ dân gian, ba ơi! Thành trend rồi”.
Bà vợ khen: “Chỉ có đại gia này mới... đánh thẳng, mạnh vì gạo bạo vì tiền, lôi ra được cái tiêu cực, đúng với mong muốn của mọi người muốn chống cái xấu. Người ta ủng hộ rần rần”.
May có anh trai cả “tỉnh táo viên” bảo: “Nghe phải biết suy nghĩ. Khi mình chưa biết sự thật đúng sai, đừng nhảy vào chia thành hai phe, mỗi phe đều đông đảo. Có bao kẻ lợi dụng tạo kênh ăn theo kiếm tiền, ở mãi đâu bên Mỹ chả can dự đến mình, chả biết gì đúng sai cũng nhảy ra chửi người khác, bị gọi là “youtub... dơ” đó. Lôi đời tư người khác ra xúc phạm là pháp luật cấm đó. Đừng giỡn. Có nghe bao người ăn nói đưa tin bậy bạ bị phạt không. Mình là người xem, người tham gia, phải cho đúng đắn, đừng tay nhanh hơn não. Chính quyền người ta phạt đấy”.
“Em có biết tại sao số đông bị cuốn hút vào nhiều câu chuyện lạ không? Giới nghiên cứu truyền thông chỉ ra rằng, trên mạng bây giờ cãi nhau, xúc phạm, độc lạ được tương tác nhiều hơn. Do đó, nhiều người đã dựa vào những tình huống đối đầu, khai thác xung đột dễ... kiếm tiền”.
Nhưng đứa em gái bảo: “Chính truyền thông chính thống chả nói năng gì, dân chúng biết đâu là phải trái”.
Ông bố gạt phắt: “Truyền thông người ta còn lo đưa tin chống dịch, ai ở không mà đi cãi nhau”.
Thế là cả nhà cãi qua cãi lại. Cuối cùng ông bố vẫn luôn tìm ra kết luận như một “người cầm lái vĩ đại”.
Bố trầm ngâm: “Cứ cãi nhau đi, ai cũng một bụng đầy lý lẽ. Trong khi đó tụi bây biết không, suốt đêm qua ở Gò Vấp, lực lượng chống dịch người ta cùng với dân một đêm xét nghiệm 8 địa điểm gần 50.000 người kia kìa”.
Lực lượng xét nghiệm của các bệnh viện chi viện đi rần rần trong đêm, lao vào cuộc chiến đấu chống giặc Covid-19. Cả nước người ta lo chung tay góp vào “cái quỹ chống dịch” để mua vaccine tiêm cho dân, đóng góp kìn kìn tiền to tiền nhỏ góp hết kia kìa. Lúc mình ngồi đây là các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đang đem sản phẩm ra tiếp cho các y bác sĩ, lực lượng chống dịch và bà con ở quận Gò Vấp phải giãn cách... Mọi người đều góp sức chung tay mọi kiểu do họ nghĩ ra”.
Đứa con lè lưỡi: “Chịu. “Hãng thông tấn Ba”... lấy tin đâu mà biết hay quá vậy?”.
“Thì tao đọc FB của các vị bác sĩ và tin của các nhà báo chứ đâu. Người ta đang lao vào cuộc chiến. Đâu có rảnh ngồi chúi mũi chờ lai chim lai cò”.
Rồi bố bảo: “Ngồi nhà mùa dịch, làm việc ở nhà, xem những thứ cần thiết giúp ích cho cuộc sống. Dù chẳng ai cấm được cái mênh mông của Internet. Làm gì cũng phải có văn hóa và đúng luật lệ nhưng nhớ là đất nước đang gặp nạn, phải góp sức chứ không thể chỉ nghĩ đến sở thích riêng mình.
Đừng có nghĩ mình ở nhà lên mạng xem và like thôi đâu hại gì. Có hại đó nếu chưa biết đúng sai mà tạo ra áp lực cho cuộc sống xã hội”.
Anh cả kết thúc bằng thông tin báo Tây: “Đây này. Khi “quý dzị” cắm đầu nghe chửi nhau thì người Mỹ họ đọc sách. Hiệp hội sách cho biết các cửa hàng sách đã tránh được thảm họa trong đại dịch. Chỉ riêng cái cửa hàng bookshop.org trong mấy mùa dịch bệnh họ bán được 14 triệu đô tiền sách kia kìa”.