Cuộc đua mới của các nền tảng trực tuyến
Đời thường - Ngày đăng : 09:00, 13/06/2021
Khi Amazon quyết tâm lấn sân trực tuyến
Nhằm thúc đẩy nền tảng trực tuyến Prime Video để có thể cạnh tranh với Netflix, Disney+, cuối tháng 5 vừa qua, Amazon đã thâu tóm hãng phim MGM với giá trị lên đến 8,45 tỷ USD. Tiếp quản MGM, đồng nghĩa Amazon có hơn 4.000 bộ phim, gồm những series phim được nhượng quyền như James Bond, Rocky và những phim kinh điển như Sự im lặng của bầy cừu, Phù thủy xứ Oz, Raging Bull hay 12 Angry Men...
Kho MGM TV còn có khoảng 17.000 tập phim của nhiều bộ, gồm Stargate SG-1, Stargate Atlantis, Stargate Universe, Vikings, Fargo, The Handmaid's Tale, Người sói tuổi teen... và các chương trình truyền hình thực tế như The Voice, Survivor, Shark Tank, Những bà nội trợ của Beverly Hills...
Tỷ phú Jeff Bezos của Amazon cho biết, cơ sở của thương vụ mua lại rất đơn giản. MGM có một kho tàng quyền sở hữu trí tuệ (IP) với hàng loạt phim, chương trình truyền hình mà Amazon dự định sẽ sản xuất lại và phát triển cùng đội ngũ MGM đầy tài năng.
Đối với Amazon, giải trí là một phần tương đối nhỏ trong đế chế khổng lồ nhưng lại đại diện cho một bộ phận kinh doanh đang phát triển nhanh chóng. Vào năm 2020, tập đoàn này đã chi 11 tỷ USD cho các chương trình truyền hình, phim và âm nhạc cho các dịch vụ của Prime, tăng 40% so với năm trước. Trong ba tháng đầu năm 2021, MGM Holdings báo cáo doanh thu 403,3 triệu USD (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái) và thu nhập ròng 29,3 triệu USD (năm trước lỗ 12,1 triệu USD).
Amazon thâu tóm MGM vào thời điểm các hãng phim truyền thống ngày càng hạn chế việc nhượng bản quyền thư viện phim cho các dịch vụ giải trí trực tuyến, thay vào đó họ tự phát triển nền tảng riêng. Do đó, việc sở hữu MGM sẽ giúp Amazon chủ động hơn trong cuộc đua nền tảng xem phim trực tuyến. Bởi lẽ, dù tài chính của Amazon mạnh hơn các đối thủ trong lĩnh vực trực tuyến, nhưng dịch vụ Prime Video do không được quan tâm đúng mức nên không đạt được thành công như những gì mà Netflix và Disney+ đang có.
Các “ông lớn” châu Á vào cuộc
Trong khi đó ở châu Á, hàng loạt công ty giải trí lớn tại Trung Quốc và Hàn Quốc cũng nhận ra tiềm năng của các nền tảng trực tuyến. CJ ENM, Tencent và iQiyi đã rót hàng tỷ USD mở rộng nội dung cho các nền tảng trực tuyến.
Mới đây, CJ ENM - “ông lớn” của ngành giải trí Hàn Quốc thông báo sẽ đầu tư hơn 5.000 tỷ won (tương đương 4,48 tỷ USD) để đa dạng hóa nội dung giải trí trong vòng 5 năm tới, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà sáng tạo nội dung toàn cầu. Theo đó, CJ ENM sẽ thành lập thêm nhiều studio sản xuất các chương trình tạp kỹ, phim và sáng tạo nội dung trên nền tảng trực tuyến mang tên Tving.
Tương tự CJ ENM, hai nền tảng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Tencent và iQiyi cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á, tạo nên sự đối đầu với các đối thủ phương Tây là Netflix và Disney+. Cuối năm 2020, Tencent mua lại iFlix (nền tảng trực tuyến lớn nhất tại Đông Nam Á), đồng thời đang tìm cách bổ sung nhân viên tại các thị trường Thái Lan, Indonesia và Philippines, để tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong khu vực.
Để tăng sức cạnh tranh, iQiyi còn xây dựng một nhóm sản xuất ở Thái Lan, hợp tác với các công ty truyền thông hàng đầu ở Malaysia và Myanmar. Giờ đây, khán giả có thể xem các chương trình trên iQiyi với phụ đề bằng tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Malaysia, tiếng Indonesia và tiếng Việt. Với hơn 100 triệu người đăng ký trả phí (chủ yếu tại Trung Quốc), iQiyi và Tencent hiện là nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến video lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, chỉ sau Netflix (hơn 158 triệu người đăng ký).
Một cuộc đua giành thị phần giải trí trực tuyến khốc liệt hứa hẹn diễn ra tại Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong thời gian tới.