Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nên kéo dài hết năm 2021
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 14/06/2021
TS. Nguyễn Tú Anh - Ban Kinh tế Trung ương |
* Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ đang được triển khai. Theo ông, chính sách hỗ trợ này có tác động thế nào đến doanh nghiệp?
- Tôi cho đó là một chính sách tốt bởi nó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh khi mà đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Có thể ví chính sách này như một khoản tín dụng với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất.
Chính sách hỗ trợ này rất quan trọng, nhưng cũng có mặt trái. Hình thức hỗ trợ này không nhiều tác dụng đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn, đặc biệt là với những doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, mất cân đối dòng tiền. Thêm nữa, việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất sẽ làm chậm lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện chính sách này rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt, khâu xác định đúng doanh nghiệp cần hỗ trợ rất dễ bị trục lợi, tiêu cực.
* Chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất đang có những ý kiến trái chiều. Nhiều doanh nghiệp nói chính sách chưa đi vào cuộc sống, trong khi Tổng cục Thuế cho rằng, một số ít trường hợp chưa nắm rõ nội dung và do còn hạn thực hiện đến ngày 30/7/2021. Từ góc độ chuyên gia, ông bình luận thế nào về những ý kiến ấy?
- Chính sách này được ban hành đã không tính đến dịch bùng phát lần thứ tư. Do đó, với tình hình hiện nay, Chính phủ nên cân nhắc kéo dài thời hạn đến hết năm 2021. Kinh nghiệm năm 2020 cho thấy, có 97% doanh nghiệp được gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đều nộp đủ tiền vào cuối năm 2020.
Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam, Chính phủ cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Về nguyên tắc, Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự qua đại dịch, vì thành lập một doanh nghiệp và tồn tại được đòi hỏi quá trình và tốn kém. Thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều nếu để doanh nghiệp phá sản.
* Như ông nói, trục lợi và tiêu cực có thể đến từ việc định vị doanh nghiệp cần hỗ trợ trực tiếp từ chính sách...
- Đây là vấn đề phức tạp. Tiêu cực là khó tránh, nhất là khi nước ta không đủ nguồn lực để đánh giá, kiểm tra và giám sát. Tiêu cực có thể xảy ra từ cả hai phía: bên tổ chức thực hiện và bên doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp cần thì không được nhận hỗ trợ, còn doanh nghiệp không thực sự cần lại được nhận hỗ trợ. Hiện nay, nhiều nền kinh tế đã sử dụng số hóa để đánh giá thực trạng doanh nghiệp, nhưng Việt Nam đến nay vẫn chưa làm được việc này.
* Thời gian có hiệu lực của chính sách hỗ trợ này ngắn khiến người ta dễ liên tưởng đến một chính sách ngắn hạn?
- Tôi không nghĩ vậy. Cần nhìn vào cả gói hỗ trợ của Chính phủ thay vì chỉ nhìn vào một chính sách. Với chính sách gia hạn nộp tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, nếu không có đợt bùng phát dịch lần thứ tư, thời gian có hiệu lực đến tháng 7/2021 là phù hợp. Tất nhiên, nếu Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện chính sách này, doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần tiền để thực hiện các chính sách khác. Hơn nữa, bên cạnh chính sách tài khóa còn có chính sách tiền tệ.
* Có thể cần một vài thay đổi về chính sách này, như được kéo dài đến hết năm như ông mong muốn?
- Tình hình hiện nay không phải quá bi đát nên không cần một cái gì đó mới hơn đối với chính sách hỗ trợ này. Doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng không tác động trên diện rộng. Số liệu 4 tháng đầu năm cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp không quá khó khăn, nguồn thu từ nội địa, bao gồm thuế đất của doanh nghiệp vẫn tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, có mã số thuế và đang đóng thuế tăng 2,3%. Hiện nay, đợt bùng phát dịch thứ tư đang từng bước được kiểm soát trong khi tiêm chủng mở rộng được đẩy nhanh, xác suất cao là mọi việc sẽ ổn. Nhưng như tôi đã nói ở trên, với tình hình hiện nay, Chính phủ nên cân nhắc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đến hết năm 2021 thì doanh nghiệp sẽ thêm điều kiện để trụ vững.
* Cảm ơn ông!