Tiền số "vỡ trận"

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:00, 16/06/2021

Một loạt đồng tiền số mới được quảng cáo, mua bán tại Việt Nam và dẫn dụ nhà đầu tư tham gia theo mô hình đa cấp trong thời gian gần đây, cũng như ngày càng nhiều vụ lừa đảo đầu tư được phanh phui, là tiếng chuông cảnh báo.

Lao dốc

Sau khi đạt đến đỉnh cao hơn 60.000 USD/BTC vào giữa tháng 4, đồng Bitcoin đã lao dốc kể từ đó đến nay, có lúc mất hơn 50% giá trị, khi các nước bắt đầu có những chính sách để kiểm soát tiền số. Sự biến động quá mạnh khiến nhiều người phải nghi ngờ về vai trò có thể thay thế tiền mặt của các đồng tiền số mà không ít nhà đầu tư đã tin tưởng. 

Trước sức mạnh của các đồng tiền số đang ngày càng được củng cố và có thể gây ảnh hưởng lên các chính sách tiền tệ, tài khóa của quốc gia, nhiều nước đã có những động thái mạnh tay hơn, một trong số đó là phát hành tiền kỹ thuật số riêng (Central Bank Digital Currency - CBDC). 

Quần đảo Bahamas là nước đầu tiên trên thế giới tuyên bố phát hành CBDC. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến đến năm 2025 sẽ phát hành CBDC. Nhiều nước như Nhật Bản, Anh, Nga hay mới đây là Indonesia cũng đang nghiên cứu hoặc thử nghiệm phát hành tiền kỹ thuật số. 

Trước đó, giữa tháng 5, Trung Quốc tăng cường nhận diện và ngăn chặn những giao dịch tiền số đáng ngờ, yêu cầu xử lý triệt để việc đào tiền ảo, đồng thời nhấn mạnh giao dịch tiền ảo là vi phạm các quy định của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng nước này đang muốn mở đường cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số phát triển.

Bai1-1-4272-1623310010.jpg

Thách thức đối với Việt Nam

Một loạt đồng tiền số mới được quảng cáo, mua bán tại Việt Nam và dẫn dụ nhà đầu tư tham gia theo mô hình đa cấp. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, nhiều người có xu hướng rút tiền tiết kiệm để chuyển sang các hình thức đầu tư khác và dễ bị thu hút bởi những cam kết lợi suất cao khi đầu tư vào các loại tiền số mới này.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, đồng thời cảnh báo như là một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, hành lang pháp lý của Việt Nam về việc quản lý các loại tài sản ảo này vẫn chưa thật sự chặt chẽ.

Giao dịch bằng tiền số cũng là cách để giới đầu tư giấu thu nhập đối với cơ quan thuế. Nghiên cứu gần đây ước tính số tiền thuế thất thu qua giao dịch tiền ảo của Mỹ sẽ lên đến 7.000 tỷ USD trong 10 năm tới, vì các quy định khai báo lỏng lẻo. Gần đây Tổng thống Biden đã ban hành dự thảo luật thuế giao dịch tiền số như giao dịch tiền mặt, yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo khi họ nhận hơn 10.000 USD tiền số trở lên. 

Việt Nam có lẽ cũng sẽ có những giải pháp về quản lý và thu thuế từ giao dịch tiền số. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, nhằm ban hành các quy định về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo cũng như biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo.

Trong bối cảnh nền kinh tế số và tiền số ngày càng phổ biến, cũng như trước những đe dọa về việc đồng nhân dân tệ kỹ thuật số có thể tràn vào nền kinh tế Việt Nam gây ra những bất ổn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có lẽ cũng sớm có những nghiên cứu về việc triển khai đồng tiền số cho quốc gia, để tránh bị chậm chân trong thời đại công nghiệp 4.0.

Anh Khoa