Ông Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM: “Nghề báo không chỉ trách nhiệm mà còn rất vinh quang”
Thời sự - Ngày đăng : 07:57, 18/06/2021
Có nhiều lý do để tôi hẹn phỏng vấn Chủ tịch hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng. Một trong những lý do là nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cùng với đó là nhiều câu hỏi xung quanh nghề báo trong tình hình mới.
* Báo chí Cách mạng Việt Nam là báo chí nhà nước, nhưng thời nay báo chí cũng là một dạng hàng hóa, mà là hàng hóa đặc biệt. Như vậy, quy luật thị trường đang tác động thế nào đến người làm báo, nhất là có quan điểm rằng báo chí giờ đây cũng vào vòng xoáy “thương mại hóa”, thưa ông?
- Đã là hàng hóa thì báo chí cũng phải theo quy luật bán, mua và lưu thông. Và người làm ra loại hàng hóa đó ít nhiều cũng phải chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Thời làm báo bao cấp, người làm báo chỉ chuyên tâm với nghề, với cây bút của mình, các tòa soạn được sống trong cơ chế bao cấp, được Nhà nước bao cấp hết trụ sở, lương bổng, in ấn, phát hành... Không phải lo gì. Quan trọng là làm sao tuyên truyền được chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, phản ánh thực tế cuộc sống...
Khi vào cơ chế thị trường, một số tờ bắt đầu phải tự nuôi nhau, tự chủ tài chính và hạch toán kinh doanh, lãnh đạo tòa báo cũng áp lực hơn. Một mặt phải làm sao đảm bảo tờ báo bám sát tôn chỉ mục đích, đi đúng hướng tuyên truyền, lại phải làm sao tạo được nguồn thu cho báo, giữ được nhiều độc giả.
Thời kinh tế thị trường, nhiều tờ báo ra đời, cạnh tranh về nội dung, độc giả, quảng cáo... Thực ra, những tờ báo có uy tín, có nhiều bạn đọc, có vị thế trong xã hội thì quảng cáo có được là nhờ tờ báo đó uy tín, minh bạch, là do các doanh nghiệp cần quảng cáo trên các tờ báo đó. Mức độ quảng cáo chính là thước đo tốc độ phát triển của nền kinh tế, của sự cạnh tranh lành mạnh. Đó là xu hướng lành mạnh nhất, phù hợp với xu thế của báo chí thế giới hiện đại.
Vì thế, không nên đánh đồng những tờ báo có nhiều độc giả, nhiều quảng cáo và bán chạy là “thương mại hóa”. Hàng hóa cũng có cái hay, cái xấu thì báo chí cũng có những bài báo hay, tích cực. Cũng có những bài báo ca ngợi một chiều vì động cơ nào đó hay nhà báo nào đó “đe dọa” người ta để lấy quảng cáo. Đó là tiêu cực đáng chê trách, phê phán.
Chính vì thế, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo luôn được xem trọng, đặc biệt là thời kinh tế thị trường, có quá nhiều quyền lợi để chi phối và cám dỗ. Nếu không vững vàng và kiên định thì nhà báo rất dễ bị mua chuộc, bị lôi kéo vào vòng xoáy của đồng tiền. Đạo đức của nhà báo cũng chính là bản lĩnh của người làm báo. Đó cũng là lý do tôi thường nhắc các phóng viên: Làm báo phải tỉnh và... bản lĩnh để vượt qua chính mình.
* Như vậy, có thể hiểu làm báo bây giờ khó hơn thời trước?
- Làm báo thời nào cũng khó nhưng đúng là thời kinh tế thị trường càng khó hơn. Làm báo bây giờ còn phải có nhiều kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện, kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ, tin học... Đặc biệt, trong môi trường truyền thông số như hiện nay, tư duy, năng lực của nhà báo cũng phải thay đổi mới có thể bắt kịp xu hướng và không bị tụt hậu.
Một yêu cầu cũng quan trọng không kém cho những người làm báo, đó là phải hiểu biết luật pháp. Ví dụ, gần đây khi xã hội rộ lên thông tin mua bán bào thai thì người viết lĩnh vực này phải biết rất nhiều luật liên quan, vấn đề quy định đạo đức, giới hạn đến đâu và phải có giải pháp chứ không chỉ dừng lại ở phản ánh thì bài viết mới thuyết phục và có giá trị.
Một điều nữa, không phải ai ai làm báo cũng có tư tưởng, bản lĩnh giống nhau - nhất là những nhà báo trẻ, mới vào nghề. Bởi vậy, mỗi tòa soạn cần phải đào tạo, trang bị cho phóng viên tư tưởng và lập trường. Họ phải hiểu sâu sắc giá trị của nghề, hiểu lời căn dặn của Bác Hồ: “Nhà báo là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ để phụng sự xã hội, phục vụ nhân dân”.
* Có quan niệm rằng, báo chí công nghệ số cũng lên ngôi, ngược lại báo in (báo giấy) đang có xu hướng mất dần bạn đọc và không sống được, ông nghĩ thế nào?
- Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, nhà báo vất vả hơn. Họ phải cặm cụi ngồi viết báo bằng tay. Báo chí thời trước cũng không nhiều, bài viết cũng “bị” kiểm duyệt khắt khe hơn, phải chỉn chu từ chữ nghĩa, nội dung mới được duyệt đăng, nên cảm xúc hồi hộp, chờ đợi để đón nhận đứa con tinh thần của mỗi nhà báo cũng mãnh liệt, dâng trào hơn.
Nói thế, không có nghĩa là làm báo bây giờ dễ dãi. Chỉ là bây giờ có nhiều đầu báo, nhiều ấn phẩm nên nhu cầu bài vở của một số tòa soạn cũng thiếu, lại áp lực thời gian xuất bản nên mức độ khe khắt của từng ấn phẩm báo chí cũng... nhẹ hơn.
Mặc dù báo điện tử đang là xu hướng nhưng nói báo giấy không sống được cũng không phải. Nếu lợi thế của báo điện tử là cập nhật nhanh tin tức và có tính tương tác cao, thì bạn đọc vẫn tìm đến báo in với những bài viết mang tính lập luận, chính luận phân tích sâu vấn đề với nhiều góc nhìn.
Thực tế, tại TP.HCM đã có rất nhiều tờ báo giấy vẫn sống tốt và vẫn có đối tượng bạn đọc trung niên thích đọc báo giấy. Các doanh nghiệp vẫn thấy ở báo giấy sự chín chắn, chỉn chu, sự đàng hoàng của tờ báo nên sản phẩm của họ vẫn gắn bó và xuất hiện trên nhiều tờ báo. Nhất là những bài viết có góc nhìn sắc bén và tử tế. Đây chính là sức hút cho quảng cáo và ngược lại khi có nhiều doanh nghiệp đồng hành, tờ báo cũng sẽ triển khai được nhiều hoạt động sau mặt báo.
Vấn đề là để bạn đọc chịu bỏ tiền mua báo giấy thì người làm báo phải có trách nhiệm với họ. Nghĩa là bài viết phải dễ hiểu, viết đúng và chính xác bằng cái tâm của mình, mỗi bài báo đăng lên phải nói được tiếng nói của người dân, giải quyết được trung thực nhiều vấn đề cho họ và cho họ những thông tin cần chứ không phải cái mà tòa soạn có. Khi người đọc thấy được lợi ích thiết thực từ tờ báo mang lại thì họ mới đọc và mua báo. Nói nôm na là làm được gì có ích cho dân, cho nước, cho bạn đọc thì cứ làm và làm nghề một cách tử tế thì tờ báo sẽ “sống được” .
* Có ý kiến rằng thời nay có quá nhiều nhà báo “salon”?
- Một trong những tố chất cần có của người làm báo là phải yêu nghề và dám lăn xả. Một phóng viên chịu đi ra ngoài, chịu hóa thân, nhập vai để bám sát thực tế cuộc sống, dám đối mặt với nhiều thách thức, kể cả nguy hiểm để có những bài phóng sự điều tra thì chắc chắn tác phẩm của họ sẽ hay hơn, độc đáo và được công chúng đón nhận. Dấu ấn bài viết, tên tuổi của phóng viên đó cũng dần được định hình và có ấn tượng đẹp trong giới báo chí và đồng nghiệp.
Ngược lại, cũng có một số phóng viên lười suy nghĩ, hoặc lập ra một nhóm phóng viên chỉ ngồi một chỗ “xào” thông tin hoặc share (chia sẻ) bài, tin cho nhau.Nhưng cũng có chút thông cảm vì bây giờ áp lực của phóng viên cũng nhiều, áp lực thông tin, tốc độ khiến các phóng viên “bí” quá phải “xào” báo bạn.
* Vậy áp lực của người lãnh đạo báo trong thời thị trường ra sao, thưa ông?
- Nói phóng viên áp lực một thì người đứng đầu một tờ báo áp lực hơn gấp nhiều lần, vì họ phải biết định hướng cho con tàu đi hướng nào để không đâm vào đá, không để mọi người ngồi trên một con thuyền nhưng mỗi người lại chèo một hướng, phải làm sao để mọi “thuyền viên” đều phải khỏe và đoàn kết. Rồi phải nghĩ đến kế hoạch dài hơi, nhìn thấy trước con đường phía trước để chuẩn bị. Như việc sắp tới đây, sau báo điện tử, sẽ có loại hình gì để định hướng cho tờ báo phát triển.
* Công nghệ số cũng làm cho báo chí không còn vai trò độc quyền sở hữu tin tức nữa, với góc độ là Chủ tịch Hội Nhà báo, Hội sẽ có kế hoạch gì định hướng cho báo chí, thưa ông?
- Công nghệ số, mạng xã hội ngày càng nhiều. Bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ, với chiếc điện thoại trên tay là có thể đọc được vô số thông tin. Thế nhưng, trong một rừng thông tin đầy rẫy những luồng thông tin khó biết đúng, sai thì báo chí chính thống vẫn được bạn đọc tìm đến vì có độ tin cậy cao. Đó là lý do vì sao báo chính thống vẫn còn nguyên giá trị và vẫn tồn tại.
Một trong những việc mà Hội Nhà báo hướng đến, đó là việc đọc báo phải trả tiền. Như vậy báo của anh phải hay, phải có bài viết, thông tin độc quyền, phải biết nhu cầu độc giả cần gì, phải tạo ra nhiều hàm lượng thông tin độc đáo và tin cậy thì mới được trả tiền.
Cuối năm 2020, Hội Nhà báo có cuộc họp với lãnh đạo một số cơ quan báo chí Thành phố, bàn về vấn đề này và bước đầu tạo được sự đồng thuận về chủ trương nhưng đi sát vẫn còn nhiều vấn đề liên quan cần giải quyết.
* Cụ thể, việc thu phí độc giả đọc báo sẽ hỗ trợ được gì cho các báo hiện nay, thưa ông?
- Thu phí là một giải pháp, làm giảm bớt tình trạng vi phạm bản quyền và dần dần hình thành việc tôn trọng bản quyền, các báo phải mua lại thông tin của nhau, khi đó báo chí cũng có nguồn thu.
Ở một số tờ báo ở Mỹ, Anh, Thụy Điển như New York Times, Wall Street Journal, Washington Post, Financial Times, The Economist, Svenska Dagbladet... thì việc đọc báo trả tiền là xu hướng và các báo này đang thành công với mô hình thu phí trên nền tảng digital khi mức doanh thu quảng cáo online đang chậm lại. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì đây là một vấn đề khó vì luật dân sự quy định quyền sở hữu trí tuệ trong báo chí vẫn chưa cụ thể. Hơn nữa, để thay đổi nhận thức, thói quen của người đọc không phải là điều muốn là làm được và có thể làm ngay tức thời. Vì thế, mỗi tòa soạn phải đề ra những giải pháp riêng trong lộ trình này để hướng đến thực hiện một liên minh bản quyền mà Bộ Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo rất ủng hộ.
* Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam sắp đến, nhìn lại chặng đường nghề đã đi qua, điều gì khiến ông nhớ và ngẫm mỗi dịp ngày báo chí lại đến?
- Tôi bước vào nghề báo không phải tự chọn mà do được cấp trên giao việc. Mười lăm năm phụ trách mảng an ninh văn hóa. Năm 1999, Ban giám đốc Công an TP.HCM điều động tôi sang Báo Công An TP.HCM phụ trách công tác tổ chức và hãng phim Người bảo vệ. Trước nhu cầu công việc ngày càng cao, thấy cần phải học thêm nữa mới có thể quản lý và làm tốt công việc nên tôi đi học văn bằng hai báo chí. Năm 2003, tôi được bổ nhiệm làm Phó tổng phụ trách tổ chức của Báo Công An TP.HCM, tham gia một số chuyên đề liên quan đến an ninh và xã hội và đến năm 2014 làm Tổng biên tập cho đến khi nghỉ hưu chuyển sang làm công tác Hội.
Trong đó có một kỷ niệm tôi nhớ mãi. Đó là năm 2001, Báo Công An TP.HCM tổ chức giải bóng đá trẻ em có hoàn cảnh cơ nhỡ đặc biệt. Khi tổ chức xong, tôi đưa đội bóng đá sang Thái Lan thi đấu giải bóng đá bãi biển trong thành phố tại Bangkok. Có mấy trăm đội tham gia và không ngờ, đội Việt Nam lại vô địch. Khi đó, nhìn các em lần đầu ra nước ngoài lạ lẫm, có em cứ đi vào thang máy bấm lên bấm xuống một cách thích thú, tôi rất xúc động.
Trong thời khắc vinh quang nhận huy chương vàng, có một cậu bé ôm tôi và khóc. Tôi hỏi: “Con có ước ao gì không?”. Cậu bé nói: “Con ước sau này là cầu thủ có thể thi đấu và thắng các cầu thủ Thái Lan ngay trên đất Thái Lan (lúc đó Thái Lan hơn mình nhiều lắm). Một ước mơ thật hồn nhiên và nhiều ý nghĩa.
Sau này khi chứng kiến đội tuyển Việt Nam vô địch AFF, cảm xúc lại ào về. Từ hình ảnh đội bóng mồ côi, đến đội bóng đá Việt Nam, tôi liên tưởng đến việc đào tạo thế hệ trẻ và viết bài “Niềm tin chiến thắng” với thông điệp, nếu chúng ta có sự quan tâm đào tạo các bạn trẻ, dù họ sinh ra ở hoàn cảnh nào thì với sự quan tâm ủng hộ của xã hội, dưới sự dẫn dắt của người thầy giỏi có tâm có tầm, Việt Nam nhất định sẽ chiến thắng không chỉ trên đấu trường thể thao mà còn trên mọi lĩnh vực.
Từ những câu chuyện và những kỷ niệm trong nghề báo, tôi thấy nghề báo không chỉ trách nhiệm và áp lực mà còn rất vinh quang, nhiều niềm vui.
* Nhiều bạn trẻ đang khá thích thú với nghề báo. Nếu cho một lời nhắc nhớ các bạn, ông sẽ nói thêm điều gì?
- Vừa rồi, tôi đọc báo thấy hướng nghiệp nói báo chí là nghề học sinh chọn rất nhiều. Và khi xã hội phát triển thì truyền thông cũng phát triển. Vậy nên, các bạn chọn nghề báo thì phải thật sự yêu nghề. Nghề báo là sản phẩm trí tuệ tinh thần nên cái “tôi” rất quan trọng, phải khiêm tốn. Đã có một vài nhà báo khi đạt được giải báo chí hoặc có nhiều thành tích, đừng xem mình là nhà báo lớn chỉ viết bài lớn không làm những việc nhỏ, không chịu học hỏi và cập nhật những cái mới. Thậm chí bảo thủ không chịu thay đổi.
Với người quản lý, dụng nhân như dụng mộc, phải vận dụng sở trường mỗi người để khuyến khích và sử dụng họ làm việc. Ví dụ, một anh nhà báo 50 tuổi thì không thể đòi hỏi phải biết công nghệ như phóng viên trẻ nhưng ngược lại, họ viết được những bài báo hay, những phóng sự sâu sắc, có những góc nhìn mà những người trẻ không thể làm được.