Đôi điều về một số báo mạng: Xu thời, câu view, nội dung rỗng tuếch
Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 21/06/2021
Tràn ngập những thông tin về giới showbiz
Đã từ lâu, tôi không xem tin thời sự trên báo mạng Việt Nam, mà chỉ lưu vài địa chỉ chuyên đề sức khỏe, du lịch, thời trang và trang trí nội thất. Mốc thời gian “đã từ lâu” dễ chừng cũng được gần 10 năm. Lý do chính là thời sự trên một số báo mạng, theo tôi không ít nội dung rỗng tuếch, chủ yếu câu view, nương theo thị hiếu rẻ tiền (nhưng lại gán cho mỹ từ “cộng đồng mạng quan tâm”), viết hầm bà lằng về người nổi tiếng (hay tai tiếng) trong giới showbiz (có người còn nói mỉa là “sâu-bít”) và doanh nhân.
Ông Lê Ngọc Sơn - một chuyên gia kinh tế từ Đức, Chủ tịch Công ty Truyền thông và Xử lý khủng hoảng (BCS) - viết trên Facebook cá nhân: "...Trên truyền thông, các bài viết của các bạn phóng viên mảng văn nghệ - giải trí và tòa soạn của họ đang đi theo hai xu hướng khá lười biếng sau: (1) Khen nghệ sĩ lên mây. Cho thông tin gì, phang lên mặt báo thông tin đó. Không một lời tự vấn, không một chút suy tư phản biện lại. Khen được là cứ khen; (2) Một chiều hướng khác là thích săm soi vào đời tư tào lao của đám nghệ sĩ đó: giàu như thế nào, ở nhà gì, đi xe gì, cặp với ai, chuyện gia đình, tình yêu tình báo... Hoặc là đăng chuyện cãi lộn, chửi nhau của nghệ sĩ . Sorry (xin lỗi), phải nói mấy thứ làm báo kiểu này rẻ tiền và không nền báo chí nào trên hành tinh này xem là làm báo có đẳng cấp cả. Hạn hữu lắm mới thấy vài bài toát lên chút tư tưởng, hay đọng lại những quan điểm nhân sinh đáng đọc, đáng nghĩ... kiểu “gây ám ảnh” cho người đọc. Nực cười hơn, vài bạn làm “phóng viên văn nghệ”, tự khi nào bị nhiễm thói... nghệ sĩ và sống với ảo ảnh mình cũng là nghệ sĩ".
Phê phán này của ông Sơn hoàn toàn không sai. Hãy thử điểm qua vài cái tựa nhảm nhí đập vào mắt: “Hoa hậu Kỳ Duyên bán nude táo bạo”, “Vy Oanh lên tiếng khi bị bôi nhọ giật chồng, đẻ thuê, làm gái”, “Khánh Vân năng động khi đi chơi ở Mỹ”, “Hoa hậu Lương Thùy Linh mua penthouse”, “Cặp đôi Minh Triệu - Kỳ Duyên “gây bão” cộng đồng mạng”, “Khắc Việt “giật mình” vì vợ đẹp quá nhanh”, “Tình trẻ chồng cũ Lệ Quyên khoe đường cong nóng bỏng”, “Lệ Quyên và tình trẻ ăn bánh tráng nướng bình dân Đà Lạt”...
Những bài báo này chỉ thu hút được những kẻ vô công rỗi nghề, luôn tò mò đời tư của người khác, chứ còn người bận rộn thì quá ngán ngẩm, chẳng ai muốn mất thời gian đọc!
Không chỉ moi đủ thứ chuyện nhảm nhí của giới showbiz để câu view, một số phóng viên báo mạng còn có thủ thuật nịnh không biết ngượng, chẳng hạn bài viết: “Hành trình chinh phục Miss Universe của Khánh Vân: Lập kỷ lục nhờ chiến thuật cao tay và chiến thắng rực rỡ trong lòng khán giả toàn cầu”. Vào bài báo đọc kỹ thì ngoài những chữ ví von kiểu “tư duy chiến tranh” như “đấu trường nhan sắc”, “hành trình chinh chiến” còn “đao to búa lớn” với đoạn: “Trong đêm chung kết và bán kết, Khánh Vân xuất hiện và "chặt đẹp" dàn đối thủ nhờ nhan sắc, thần thái đỉnh cao. Dù vậy, nàng Hậu đã dừng chân đầy tiếc nuối ở top 21. Tuy nhiên, tất cả khán giả Việt Nam đều vô cùng tự hào vì hành trình đầy nhiệt huyết, màn thể hiện thông minh và khéo léo, xuất sắc của Khánh Vân tại Miss Universe 2020”. Lại nữa: “Tất cả khán giả Việt Nam đều vô cùng tự hào” là sự võ đoán của tác giả bài viết, chưa kể cách dùng chữ rất ngông nghênh kiêu ngạo: “Khánh Vân xuất hiện và “chặt đẹp” dàn đối thủ nhờ nhan sắc, thần thái đỉnh cao”(!) Không thể hình dung nổi cái “thần thái đỉnh cao” hoặc “khả năng ứng biến đỉnh cao” là cái gì! Còn hành động “chặt đẹp” - một kiểu tiếng lóng ngoài đời ám chỉ ai đó lấy giá cao phi lý một sản phẩm hay dịch vụ - khi sử dụng trong cuộc thi sắc đẹp không chỉ khiên cưỡng mà còn đầy chất giang hồ, kiểu ta đây luôn chỉ có thắng chứ không có thua.
Bởi thế, không dưng mà nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng trong giới showbiz tiết lộ họ có số tài khoản của một hay vài phóng viên mảng văn nghệ - giải trí để chuyển tiền hằng tháng, xem số phóng viên đó như những “công cụ” khi cần lấy lòng khán giả hoặc khi cần so đo tiếng tăm với đối thủ.
Tựa dài dòng, khó hiểu, làm biến dạng ngôn ngữ Việt
Đặt tựa dài dòng và khó hiểu là lỗi thường gặp ở nhiều tờ báo mạng hút khách, chẳng hạn như “CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng: Vài ngày tới sẽ có kết quả của thiết bị xét nghiệm Covid-19 dùng nước muối sinh lý, có thể thay đổi cả chiến lược trên thế giới về phòng chống dịch”, “Dạy đầu tư chứng khoán nhưng "đoán toàn sai", "Thầy giáo sở hữu kênh YouTube gần 600.000 sub vướng tranh cãi: Người nói đã giàu thì không đi dạy làm giàu, người khen thuận mua vừa bán”, “Chân dung startup đối đáp “chặt chém” Shark Hưng, Shark Phú: Profile hoành tráng, “Nhân chi sơ tính thích bật", lớp 11 từng bị đuổi học vì không nghe lời giáo viên”, “Biến căng: Rộ clip nghi vấn Vũ Khắc Tiệp trốn nợ 3,2 tỷ suốt 10 năm, để chủ nợ đến tận nhà bố mẹ đòi, chính chủ nói gì?”, “Xu hướng đầu tư và an cư 2021: phức hợp thương mại và căn hộ”...
Cách nay hơn 10 năm, các tựa bài báo in ở TP.HCM đều không vượt quá 10-12 chữ, nhưng chủ đề chính của bài báo vẫn được tóm tắt đầy đủ bằng số chữ giới hạn đó. Giờ đây, không ít tờ báo mạng trình bày tựa dài lê thê, trên 30 chữ, thậm chí hơn, đưa hai ba lời thoại và ngoặc kép vào một cái tựa, đọc vừa mệt vừa khó hiểu. Bên cạnh đó, cách đặt tựa còn mô tả nhân vật rất trần trụi, chẳng hạn như “Đà Nẵng: Bắt giữ thiếu nữ có hình xăm hoa hồng ở ngực trộm xe gắn máy”.
Không chỉ thế, có không ít những cái tựa làm biến dạng ý nghĩa của ngôn ngữ Việt, chẳng hạn “Sáng 10/2, trừ 1 ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang, cả nước không ca bệnh mới”. Đó là cách thống kê ngớ ngẩn, vì chẳng lẽ tỉnh Bắc Giang nằm ngoài Việt Nam? Hoặc như “Thành phố Thủ Đức: đặt mục tiêu 5 năm mới ngập một lần”. Chẳng lẽ cảnh ngập nước trên đường ở đô thị lại là “mục tiêu phấn đấu”? Mới đây nhất, một tờ báo đưa tựa: “Chống dịch là khát vọng của tuổi trẻ lúc này”. Đọc mà không nhịn được cười, bộ tuổi trẻ không còn “khát vọng” nào nữa sao, chống dịch là việc chẳng đặng đừng, sao lại “khát vọng chống dịch”.
Dẫu rằng, cách đặt tít tựa của nhiều báo mạng không ngoài mục đích “ăn theo” từ khóa hot để câu view, nhưng câu view mà làm biến dạng ngôn ngữ Việt, cũng là làm biến dạng ngôn ngữ chuẩn mực của báo chí.
Có thể thấy, nhiều bài báo mạng hiện nay là xu thời, chạy theo sự tò mò của những người nhàn cư, tọc mạch chứ không đưa ra được định hướng tử tế nào. Nhiều bài báo còn vô tình cổ vũ làm sao để sống như giới showbiz, bất chấp tai tiếng, bất chấp sống không có đạo đức, không chuẩn mực.