Leflair kỳ vọng gì khi trở lại Việt Nam?

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 03:30, 24/06/2021

Rời Việt Nam với món nợ không trả nổi, Leflair - sàn TMĐT kinh doanh phân khúc hàng hiệu - mới đây gây bất ngời với tuyên bố trở lại thị trường Việt Nam vào quý III/2021.
Leflair kỳ vọng gì khi trở lại Việt Nam?

Hai nhà đồng sáng lập của Leflair: Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun

Sau tuyên bố của Society Pass về quyền sở hữu đối với thương hiệu Leflair và tên miền của sàn này, trang leflair.com vẫn chưa thể hiện đã hoạt động lại. Society Pass cho hay, Leflair sẽ chính thức trở lại Việt Nam từ quý III/2021. Bên cạnh thị trường Việt Nam, Society Pass còn nuôi tham vọng mở các trang mua sắm mới tại các nước ASEAN trong năm 2022. 

Việc trở lại của Leflair chứng tỏ Society Pass vẫn hy vọng vực lại thương hiệu này nhờ vào sức bậc đáng kể của thị trường TMĐT Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ.

Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, đến năm 2025 các địa phương tại Hà Nội và TP.HCM sẽ chiếm 50% giá trị giao dịch TMĐT B2C toàn quốc. 

TMĐT trong nước đã chứng tỏ khả năng chống chọi với đại dịch Covid-19 khi đạt mức tăng trưởng khoảng 15%, với quy mô khoảng 13,2 tỷ USD năm 2020, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM). Sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát trong năm 2020 tăng 47%. Những DN chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%.

Báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company cho thấy TMĐT Việt Nam năm 2020 ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29%. Dự kiến tới năm 2025 quy mô ước tính đạt 52 tỷ USD.

Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. Trong đó, số thẻ quốc tế là 15 triệu và thẻ nội địa là 88,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu từ kênh TMĐT sáu tháng đầu năm 2020 tăng 17%. Trong đó, doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa cho TMĐT tăng tới 81%. Ngược lại, chi tiêu thẻ quốc tế cho TMĐT lại giảm 16%. 

Với thị trường dồi dào, sức mua đầy tiềm năng như vậy, việc đưa Leflair trở lại cuộc chơi của Society Pass cũng là điều dễ hiểu, khi phân khúc khách hàng này hiện vẫn còn khá nhiều độ mở.

Chia sẻ với Doanh nhân Sài Gòn, ông Loic Gautier - đồng sáng lập Leflair - từng khẳng định: "Tôi quan sát thấy Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn. Người Việt không chỉ tiêu dùng hằng ngày mà còn muốn chi nhiều hơn, họ muốn mua những món hàng từ quốc tế như của các nước Pháp, Mỹ, Nhật Bản… Từ đó tôi đã tìm kiếm những sản phẩm rất khác biệt với các trang TMĐT khác để phát triển".

Mặc dù vậy, Society Pass sẽ tiếp tục giữ mô hình kinh doanh hàng hiệu trực tuyến để cạnh tranh các thương hiệu nhập bán tại các cửa hàng hay sẽ đổi sang định hướng khác, đây vẫn còn là câu hỏi.

Mối lo ngại duy nhất với Leflair chính là công nợ chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD. Tiền mặt còn lại trong tài khoản của doanh nghiệp lúc đó chưa đến 50.000 USD. Tháng 6/2020, đồng sáng lập, ông Loic Erwan Kevin Gautier thừa nhận đang hoàn thiện thủ tục xin phá sản và việc thanh toán công nợ sẽ được tiếp diễn. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thêm thông tin về việc trả khoản nợ này cũng như không thấy Society Pass đề cập đến. Phía công ty cũng chưa thông báo về người quản lý mới.

Leflair ra mắt vào 2015 với hai nhà đồng sáng lập người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, tập trung vào tệp khách hàng "chịu chi". Đầu năm 2019, Leflair nhận thêm 7 triệu USD từ GS Shop và Belt Road Capital Management, nâng tổng số tiền Leflair gọi được sau hơn 4 năm là 12 triệu USD.

Công ty công nghệ dữ liệu Society Pass cũng có hai nền tảng điện tử khác ở Việt Nam là SoPa và Hottab.

Mỹ Huyền