Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn!

Du lịch - Ngày đăng : 05:38, 27/06/2021

Thương lắm, Sài Gòn! Thành phố lớn nhất nước đang trong những ngày buồn, cố chịu đựng để cùng cả nước vượt qua đại dịch. Sài Gòn của biết bao ánh mắt những anh em, bạn bè. Sài Gòn vẫn động viên nhau với sự lạc quan đầy tình người.
Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn!

Gọi điện cho ông anh ở Sài Gòn. Nhận thấy rõ những lo âu trong giọng nói vốn đầy chất hào sảng của anh.

Sài Gòn qua 2 đợt giãn cách, và vẫn còn chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Cách đây 3 hôm, số ca nhiễm ở Sài Gòn tăng vọt lên đến 667 ca/ngày. Đường sá vắng vẻ, dây giăng chắn lối đã là hình ảnh quen thuộc của những ngày này.

- Sài Gòn là thành phố sống về dịch vụ, nên "dính" cú này là ngành dịch vụ bị "nặng" lắm em. Không chỉ nhà hàng, quán xá mà bao nhiêu người hàng ngày mưu sinh với mặt đường, giờ cũng không có việc.

- Thế các cửa hàng sao anh, có được mở cửa bán mang về không anh?

- Hàng nào bán mang về thì họ cũng đâu có cần nhân viên, chủ nhà bán được rồi. Nhân viên cho nghỉ hết, không có việc mà làm.

Chợt nhớ chuyện của một cậu em hôm trước kể. Doanh nghiệp nhỏ 'lom dom', mấy anh em tụ lại với nhau khởi nghiệp. Cố trụ qua năm 2020, sang năm nay bắt đầu có đơn hàng thì lại bùng phát đợt dịch này. Một khách hàng đến làm việc là F0, thế là mấy nhân viên của công ty thành F1, bị hốt đi cách đi. Toàn bộ công ty đóng cửa. Chừng mấy F1 hết cách ly, hóa đơn gửi về 120 triệu. Công ty phải đứng ra trả chớ sao!

- Họa vô đơn chí anh ạ. Nhưng nghĩ lại cũng vẫn còn may, nếu mấy F1 bữa đó mà thành F0, sẽ thêm bao nhiêu nhân viên nữa thành F1 đi cách ly thì không biết công ty còn phải trả bao nhiêu nữa - tiếng cậu em cười trên điện thoại mà nghe như mếu!

Sau 2 tháng từ đầu đợt dịch này, tính đến trưa nay, Sài Gòn đã có hơn 3.456 ca nhiễm trong tổng số 15.401 ca nhiễm trên cả nước. Mặc dù số ca nhiễm chưa cao bằng Bắc Giang (5.627), nhưng Sài Gòn có mật độ dân số cao hơn hẳn và có mối liên hệ, giao lưu với hầu khắp các địa phương trên cả nước. Vì thế, việc khống chế dịch ở đây chắc chắn sẽ có những điểm khác với các địa phương khác.

Đứng trước khả năng số ca nhiễm và các F1 còn khả năng tăng cao trong những ngày tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã liên tục đề nghị thành phố xem xét phương án cho cách ly F1 tại nhà. 

Ngoài ra, Giám đốc CDC TP.HCM Nguyễn Trí Dũng đã cảnh báo về việc "sống chung với dịch", dường như với ý là những ca F0 nhẹ cũng có thể cho cách ly và điều trị tại nhà, để tránh quá tải cho hệ thống y tế dành tập trung cho những ca bệnh nặng.

Chống dịch cũng như đánh trận. Có những quan điểm nền tảng phải giữ vững, nhưng cũng có những chiến thuật phải thay đổi theo tình hình. Năm 2020, khi số ca còn ít thì truy vết, xét nghiệm, cách ly là phương pháp hữu hiệu để khoanh vùng, cô lập và dập dịch. Nhưng sang năm 2021, cùng với việc thúc đẩy tiêm vaccine, tác động của dịch lên nền kinh tế cũng đã bắt đầu "ngấm" khi các ngành hàng không, du lịch đang kiệt quệ, còn các ngành sản xuất thì có thể sụt giảm sản lượng bất kỳ lúc nào như Bắc Giang, Bắc Ninh vừa qua. Do vậy, cần nhanh chóng tính đến các biện pháp chống dịch phù hợp với thực tế hơn, trong đó cho F1 cách ly tại nhà là một giải pháp.

Thương lắm, Sài Gòn! Thành phố lớn nhất nước đang trong những ngày buồn, cố chịu đựng để cùng cả nước vượt qua đại dịch. Sài Gòn của biết bao ánh mắt những anh em, bạn bè. Sài Gòn vẫn động viên nhau với sự lạc quan đầy tình người.

Một ngày không xa, hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn!

(*) Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Trần Thanh Hải*