M&A công nghệ tiếp tục nóng vào cuối năm

Start up - Ngày đăng : 03:44, 30/06/2021

MoMo vừa hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique (tên trước đây là NextSmarty) - Công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo. Sự kiện này đánh dấu thêm dự báo từ nay đến cuối năm thị trường M&A công nghệ tiếp tục tăng trưởng.
M&A công nghệ tiếp tục nóng vào cuối năm

Theo đó, thương vụ này sẽ giúp MoMo tiếp tục đổi mới sáng tạo, hướng đến tối ưu hóa trải nghiệm của 25 triệu người dùng, hỗ trợ hàng chục nghìn đối tác, đặc biệt là giúp thúc đẩy chuyển đổi số cho các SMEs. Đây được xem là động thái chứng minh MoMo đặt chiến lược AI First (ưu tiên trí tuệ nhân tạo) và quyết liệt thực hiện trong thời gian tới.

Đây cũng là hoạt động đầu tiên của Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo ra mắt hồi đầu năm 2021. Sau khi thương vụ hoàn tất, MoMo đã tiếp nhận toàn bộ tài sản sở hữu trí tuệ của Pique, và đội ngũ công nghệ. Đặc biệt ông Trịnh Xuân Tuân (Founder Pique) đã gia nhập MoMo. 

Với giải pháp của Pique, các doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể trải nghiệm khách hàng, trực tiếp thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua việc cá nhân hóa theo thời gian thực. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng gấp đôi lượng khách tìm kiếm các sản phẩm của công ty trên website, đồng thời tăng tỷ lệ mua hàng, giá trị đơn hàng nhờ việc đưa ra những đề xuất sản phẩm phù hợp. 

momo-IMG-3298-6805-1625071457.jpg

Năm 2019, Pique đã gọi vốn thành công với Quỹ 500 Startups Vietnam đến từ Mỹ, GS SHOP đến từ Hàn Quốc và một số nhà đầu tư thiên thần danh tiếng và giàu kinh nghiệm như Tina Ju, người đứng sau các khoản đầu tư ban đầu rất thành công vào Alibaba và Baidu ở Trung Quốc. 

Thương vụ Pique giúp MoMo có thêm công cụ để hiểu hơn nữa nhu cầu đa dạng của hàng chục triệu khách hàng - qua đó cung cấp các sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa dựa trên nhu cầu của mỗi người dùng. MoMo kỳ vọng phát triển siêu ứng dụng (Super App) dựa trên nền tảng công nghệ AI vững mạnh mà đội ngũ kỹ sư công nghệ người Việt xây dựng và sáng tạo sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong quá trình chuyển đổi số.

Theo số liệu  của Refinitiv, trong 3 tháng đầu năm 2021, các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trong lĩnh vực công nghệ có tổng trị giá các thương vụ lên tới 274 tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Điển hình là thương vụ ngày 12/4 vừa qua, Microsoft thông báo mua lại Nuance Communications với giá khoảng 19,7 tỷ USD. Nuance Communications chuyên về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là thương vụ sáp nhập lớn thứ hai của Microsoft, sau thương vụ mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD vào năm 2016. Hiện, có tới hơn 55% bác sỹ và 75% chuyên gia về X-quang tại Mỹ sử dụng công nghệ của Nuance Communications.

Hay như thương vụ LG Electronics rút khỏi thị trường smartphones của LG xuất phát từ kết quả kinh doanh với khoản lỗ lên tới 4,5 tỷ USD và đã được Vingroup thỏa thuận mua lại nhưng không thành. 

Ngoài ra, Grab cũng  dự định lên sàn thông qua sáp nhập với một SPAC. Grab được định giá khoảng 34 tỷ USD và đang có kế hoạch trở thành công ty đại chúng trong quý 2 tới. Tương tự , startup du lịch trực tuyến Traveloka (Indonesia) dự kiến cũng sẽ lên sàn thông qua một công ty SPAC do các tỷ phú Richard Li và Peter Thiel đứng sau và được định giá khoảng 5 tỷ USD.

Từ nay đến cuối năm, theo dự báo của các chuyên gia, M&A công nghệ sẽ còn tăng trưởng do các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh sẽ nhận được sự quan tâm lớn như điều từng xảy ra tại Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á nổi lên với những startup giá trị như Gojek, startup thương mại điện tử Tokopedia (Indonesia), startup địa ốc trực tuyến PropertyGuru (Singapore)… 

Minh Quân