Hơn 100 tập đoàn đa quốc gia sẽ bị đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu
Quốc tế - Ngày đăng : 05:42, 03/07/2021
Được biết, 130 trên 139 quốc gia tham gia thảo luận đã đồng ý ký tên vào thỏa thuận mới. Theo đó, khi thoả thuận mới được áp dụng, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phải đóng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu (GMT), và phải chuyển một phần lợi nhuận đến các quốc gia mà mình thực hiện công việc kinh doanh, dù đó có thể không phải nơi đăng ký trụ sở.
Tờ Politico cho biết, khoảng hơn 100 tập đoàn đa quốc gia sẽ phải đóng GMT. Cũng theo tờ này, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong danh sách 130 thành viên của OECD thể hiện sự đồng thuận. Trong khi đó, một số quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp hơn để thu hút đầu tư như Ireland và Hungary đã phản đối.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, thoả thuận áp dụng GMT được 130 quốc gia trên toàn cầu nhất trí, là một phần trong nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống quy định thuế thế giới. Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz cho rằng, thỏa thuận là bước tiến mạnh mẽ hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định đây là “thỏa thuận về thuế quan trọng nhất trong 100 năm qua”.
Đồng thời, sự nhất trí tại OECD cũng sẽ giúp mở đường cho nhóm Các nước công nghiệp phát triển và mới nổi lớn nhất (G20) thông qua thỏa thuận này tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dự kiến tổ chức vào tuần tới.
"Nhiều thập niên qua, nước Mỹ đã tham gia vào một cuộc đua thuế quan quốc tế mà tự bản thân nó là một thất sách. Trong đó, Mỹ giảm thuế và rồi chứng kiến nhiều nước khác làm điều tương tự. Kết quả là một cuộc chạy đua xuống đáy: Nước nào có thể giảm thuế thấp hơn và nhanh hơn. Cho đến nay, không quốc gia nào chiến thắng cả", bà Yellen tuyên bố.
Link bài viết
"(Thế nên) Thỏa thuận mới nhất của 130 quốc gia - đại diện cho hơn 90% GDP toàn cầu, là một dấu hiệu rõ ràng: Cuộc chạy đua xuống đáy này đang chuẩn bị đi đến hồi kết", vị nữ Bộ trưởng khẳng định.
Theo Reuters, kế hoạch cải cách thuế toàn cầu gồm 2 phần. Phần 1 quy định áp mức thuế tối thiểu toàn cầu với doanh nghiệp; phần 2 quy định một loại thuế kỹ thuật số áp trên doanh nghiệp kỹ thuật số toàn cầu.
Dù bà Yellen không đề cập đến tỷ lệ GMT thực tế sẽ áp dụng là bao nhiêu %, song chính quyền Tổng thống Biden trước đó đã vận động để đưa tỷ lệ này đạt ít nhất 15%.
Được thúc đẩy từ Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh đầu tháng 6/2021, đề xuất về việc áp dụng GMT đối với các tập đoàn đa quốc gia được xem là công cụ để đấu tranh với các tập đoàn lớn - các tổ chức luôn tìm cách trốn thuế thông qua các hình thức chuyển giá hay đăng ký hoạt động tại các thiên đường thuế.
Theo CNBC, khi được áp dụng, GMT sẽ giúp chấm dứt việc nhiều tập đoàn đa quốc gia cố gắng tìm kiếm các thiên đường thuế như Ireland hay British Virgin Islands để đặt trụ sở, dù người tiêu dùng, hoạt động kinh doanh và ban điều hành ở nơi khác. Đó là bởi, nếu một tập đoàn và các công ty con của họ nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ phải tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ. Từ đó, việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với doanh nghiệp nữa.
Dự kiến, việc áp dụng thỏa thuận sẽ chính thức bắt đầu từ năm 2023 và có thể mang lại cho các quốc gia khoảng 150 tỷ USD/năm. GMT sẽ được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu Euro.
Như vậy, trong tương lai, việc đánh thuế sẽ được thực hiện nhiều hơn tại nơi mà doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu. Ví dụ, các tập đoàn như Apple hay Google sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở châu Âu; trong khi các tập đoàn của Đức như Volkswagen sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở các quốc gia như Trung Quốc.
Sau khi đạt thỏa thuận trong cả OECD và G20, nhiều bước đi nữa sẽ cần được thực hiện. Trong đó, mục tiêu đặt ra là thuyết phục các nước chưa chấp nhận tiến trình cải cách nhanh chóng tham gia, để việc cải cách thống nhất trên phạm vi toàn cầu, mang lại hiệu quả cao nhất.