Khu phố Hàn Quốc tại TP.HCM mùa dịch Covid-19

Đời thường - Ngày đăng : 06:32, 04/07/2021

TP.HCM hiện là nơi sinh sống của cộng đồng 100.000 người Hàn Quốc, tập trung đông ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Sky Garden, khu phố có tới 11.000 cư dân Hàn Quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người Hàn Quốc sống tại TP.HCM cũng đang được chính quyền quan tâm và ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người dân Hàn Quốc cũng rất cao.
Khu phố Hàn Quốc tại TP.HCM mùa dịch Covid-19

Thay đổi thói quen sinh hoạt 

Trước những diễn biến của dịch Covid-19, cộng đồng người Hàn Quốc tại TP.HCM đã thay đối thói quen sinh hoạt để giảm thiểu những tác động của dịch bệnh. Các đường phố ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, các khu chung cư cao cấp tại quận 2, và khu vực gần chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình từng được mệnh danh là “Khu phố Hàn Quốc” sầm uất ở Sài Gòn với san sát những khách sạn, công ty du lịch, siêu thị, cửa hàng thời trang, nhà hàng ăn uống, quán cà phê, thẩm mỹ viện, phòng tập gym,… nay đã giảm hẳn không khí tấp nập thường ngày. 

Đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng dịch vụ, quán karaoke, quán bar,… chờ mở cửa trở lại khi hết quy định giãn cách. Bảo vệ nhà hàng lẩu hải sản - sườn nướng Suwon nổi tiếng trong khu Sky Garden, ông Văn Bình chia sẻ: phần lớn khách hàng của quán là người Hàn Quốc. Bình thường khoảng 6h, 7h tối, tan giờ làm họ hay ghé vào quán ăn uống đông vui cùng bạn bè; nhưng nay, mỗi buổi tối chỉ lác đác khoảng trên dưới chục khách… Ở các quán khác cũng không khá hơn. Người Hàn ở đây đi ngoài phố thường hay nói cười vui vẻ, nay đi ra ngoài là bịt khẩu trang kín mít! Để phòng chống dịch Covid-19, người Hàn ở Phố Hàn đã bỏ thói quen ăn tối tại nhà hàng, họ gọi đồ ăn qua mạng để dùng bữa tại nhà. Những gia đình có trẻ em thì mua thực phẩm ở siêu thị, mua oline, mua hàng ship nhanh về nấu ăn tại nhà. Ở đây các siêu thị đều ship hàng miễn phí.

Thói quen đi dạo phố và vãng cảnh công viên cũng thay đổi. Không gian đường phố từ đường Tôn Dật Tiên chạy ra hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao, đến công viên trung tâm Phú Mỹ Hưng, những nơi cảnh quan thiên nhiên thoáng đẹp, thường tập trung đông người dân cả Hàn Quốc và VN vui chơi, thể dục, nay thưa vắng,… Để hạn chế lây lan dịch bệnh, người Hàn hạn chế ra đường và tụ tập. Ngay cả việc đi lễ ở các nhà thờ Tin Lành trong khu vực, với sự đồng thuận của các mục sư, tạm thời được chuyển thành lễ cầu nguyện tại nhà với các khóa lễ online vào ngày chủ nhật. Tuy nhiên, tại các siêu thị lớn như Trung tâm thương mại Crescent Mall, khách hàng người Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… tuy có giảm hơn trước nhưng mọi người vẫn đi lại mua sắm bình thường, tất nhiên ai cũng đeo khẩu trang phòng dịch và chú ý khoảng cách cần thiết.

am-thuc-han-quoc-2-uqxb-4091-1625331051.

Các  cửa hàng Hàn Quốc  tại Phú Mỹ Hưng vắng vẻ trong mùa dịch

Một khách hàng tại siêu thị, ông Ryu Yeongho (40 tuổi), cho biết quê ông ở thành phố cảng Busan, Hàn Quốc cách tâm dịch Daegu khoảng 110 km nhưng đã 5 năm nay, cả gia đình sinh sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM. “Hiện Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch Covid-19, tỷ lệ người dân tiêm vaccine ngày một tăng. Nhưng nay dịch lại đang bùng phát ở TP.HCM, chúng tôi luôn cảnh giác phòng, chống dịch và chấp hành mọi quy định phòng, chống dịch của địa phương, đồng thời tin tưởng thành phố các bạn khống chế dịch rất tốt, tổ chức cách ly, giám sát y tế chặt chẽ, đặc biệt là khẩn trương tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 tiến tới miễn dịch cộng đồng, nên gia đình tôi rất yên tâm khi ở đây".

Thành lập các tổ phòng dịch, hoạt động 24/24

Việc quản lý, phòng, chống dịch ở các khu phố Hàn Quốc không đơn giản, vì người dân Phố Hàn luôn hoạt động, di chuyển, đi lại giữa Hàn Quốc và VN, nhiều người ở TP.HCM nhưng đi làm tại các tỉnh thành phố khác; nơi cư trú cũng đa dạng đan xen: nhà biệt thự, căn hộ chung cư, khách sạn, nhà phố… 

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu- Phó Chủ tịch UBND Quận 7, từ đầu năm 2021 đến nay toàn quận đã dồn sức cho công tác phòng, chống dịch. UBND quận đã chủ động làm việc với ban quản trị và đơn vị quản lý 97 chung cư trên địa bàn, nhất là trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cơ quan chức năng đã tập huấn cho các ban quản lý, đội ngũ bảo vệ, tạp vụ, quản lý chung cư kiểm soát, đo thân nhiệt người ra vào khu chung cư, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Những phường có nhiều người nước ngoài sinh sống như các phường Tân Phong, Tân Phú,… mỗi phường được bố trí 40 tổ công tác, hoạt động 24 giờ/ngày. Anh chị em theo sát mọi biến động về người đi, người đến, những trường hợp đến từ vùng dịch, dù là 1 - 2 giờ sáng, cũng lập tức được cập nhật và giải quyết. Các tổ phòng dịch bền bỉ bám sát các khu dân cư, chung cư, kịp thời nắm bắt tình hình và giải quyết sự việc, với sự đồng thuận và hỗ trợ của bà con dân phố. Ở đây, vấn đề là phải vừa kiểm soát được tình hình lây nhiễm dịch bệnh, vừa giữ được không khí thân thiện, thu hút được trí thức, doanh nhân, các nhà đầu tư nước ngoài tới thành phố; làm sao để vấn đề kỳ thị không xảy ra, nhất là những khi dịch bùng phát mạnh ở Hàn Quốc và VN.

Song song đó, Quận 7 tổ chức trung tâm cách ly tập trung nằm cạnh sông Sài Gòn. Đặc điểm của trung tâm này là đón tiếp đa số các ca nghi nhiễm là người nước ngoài. Trung tâm thường xuyên cách ly khoảng 100 ca nghi nhiễm, trong đó 60% là người nước ngoài, còn lại là người Việt Nam làm việc, học tập từ nước ngoài trở về. Khu vực cách ly được chia ra hai khu dành riêng cho nam nữ, trừ phi họ đi cùng với gia đình. Các phòng đều có ti vi, máy nước nóng, wifi miễn phí… Khẩu phần cơm ngày ba bữa tương đương 120.000 đồng/ngày được cấp miễn phí. Nhều người Hàn Quốc đã và đang được cách ly tại đây. Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM cũng đã tới thăm và đánh giá cao điều kiện cơ sở vật chất của Khu cách ly tập trung quận 7, TPHCM.

trung-tam-cach-ly-tap-trung-ix-6424-3084

Trung tâm cách ly quận 7

Theo Trưởng phòng Y tế quận 2 - ông Trương Thanh Trung, các khu chung cư tại quận 2, TP.HCM cũng là nơi tập trung đông người Hàn Quốc, có khoảng 3.500 người Hàn đang sinh sống. Quận 2 tổ chức chống dịch theo mô hình chung cư gắn với từng khu phố. Ban quản trị, ban quản lý các chung cư và phường kết hợp, kiểm soát việc tạm trú của người nước ngoài. Khi có người nước ngoài mới chuyển đến căn hộ nào, bảo vệ chung cư sẽ thông báo với ban quản trị, báo với phường, sau đó sẽ kiểm tra xem họ có tới từ vùng dịch hay không? Đã khai báo y tế hay chưa và nhắc nhở họ thực hiện những yêu cầu kiểm tra y tế bắt buộc… Mỗi chung cư đều có nhiều “group” mạng xã hội, để thông báo việc ra vào của người nước ngoài đến từng tầng, từng phòng. Tất cả các chung cư trong quận đều thường xuyên cung cấp dung dịch sát khuẩn tại các thang máy ra vào chung cư. Hằng tuần, ban quản lý chung cư tổ chức phun dung dịch sát khuẩn toàn chung cư, chú ý những diện tích sử dụng cộng cộng.  UBND quận cũng đã thực hiện việc phát tài liệu phòng, chống dịch bằng cả 4 ngôn ngữ Việt, Hàn, Trung, Anh tới các cộng đồng dân cư.

Người dân Phố Hàn tự giác và chung tay chống dịch

 Ông Nguyễn Văn Sỹ- Phó chủ nhiệm Trung tâm phục vụ khách hàng, Công ty Phú Hưng Thịnh, cho biết: "Người Hàn Quốc có ý thức cộng đồng rất cao, tự giác tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Họ có nhiều trang website và facebook dành cho người Hàn Quốc từng khu vực. Trong đó cập nhật danh sách từng người Hàn Quốc vừa đến Việt Nam trên chuyến bay nào, ngày nào. Mỗi biến động về nhân khẩu được cộng đồng cập nhật rất minh bạch. Hơn ai hết, những người Hàn sống tại Thành phố hiểu rằng họ cần phải bảo vệ sự an toàn cho chính cộng đồng của họ, nhất là cho trẻ con và người già. Nếu ai đó đi qua vùng dịch về tới chung cư, lập tức chính những người Hàn Quốc sẽ tới kiểm tra xem người đó đã cách ly chưa? Đã khám bệnh chưa? Cần phải cách ly như thế nào để không ảnh hưởng người khác”. 

Cho đến nay, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại TP.HCM cũng như các địa phương khác trong cả nước, như Samsung, Hyosung, LG, Ngân hàng Shinhan, CJ, SK,…đã tham gia ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của VN với tổng số tiền khoảng 162 tỷ đồng (tính đến 25-6-2021). Và một tin vui, tất cả công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại TP.HCM, trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc, đều được ưu tiên tiêm vaccine phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đảo bảo duy trì hoạt động sản xuất và sự an toàn của các khu dân cư.

03-06-2021-cong-ty-tnhh-phat-t-2586-2584

Không chỉ tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại nơi cư trú, cộng đồng người Hàn Quốc tại TP.HCM còn chung tay đóng góp, hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại VN. Ngày 04-6-2021 vừa qua, tại UBND tỉnh Bắc Giang, ngay khi địa phương này bùng phát nặng nề dịch Covid-19, Công ty Samsung Việt Nam đã trao vật tư y tế tài trợ phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, bao gồm: các máy xét nghiệm RT PCR, kit xét nghiệm Covid-19, bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang N95,… tổng trị giá 6 tỷ đồng. Trước đó, tháng 4-2020, Công ty Samsung Việt Nam đã ủng hộ 10 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam. Mới đây, cuối tháng 5-2021, phát biểu tại lễ trao tặng thiết bị y tế phòng chống Covid-19, ông Park Noh-wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Bộ Y tế và KOICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc) đã thống nhất thực hiện dự án lắp đặt 40 máy đo thân nhiệt từ xa tại 10 sân bay quốc tế của Việt Nam và tổ chức một chương trình tăng cường năng lực cho các chuyên gia y tế và cán bộ phụ trách kiểm dịch của Việt Nam. Tổng giá trị gói viện trợ không hoàn lại của KOICA cho Bộ Y tế là khoảng 1 triệu USD. Việc sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa sẽ giúp đảm bảo môi trường an toàn hơn cho hành khách đi máy bay và nhân viên sân bay. 

Bùi Quý Toản