Giới thiệu bổ sung 23 nhân sự lãnh đạo

Trong nước - Ngày đăng : 08:27, 08/07/2021

Ban chấp hành Trung ương nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Giới thiệu bổ sung 23 nhân sự lãnh đạo

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3, khóa XIII. Ảnh: VOV

Sau 4 ngày làm việc, hội nghị Trung ương 3 (khóa XIII) hoàn thành chương trình đề ra vào chiều 8/7, kết thúc sớm so với dự kiến một ngày.

Phát biểu bế mạc, về công tác cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói Trung ương nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Trước đó, hội nghị Trung ương 2 khóa XIII (tháng 3/2021) đã quyết định giới thiệu nhân sự ba chức danh chủ chốt là Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, và cho ý kiến giới thiệu nhân sự đảm nhiệm 24 chức danh lãnh đạo khác của các cơ quan nhà nước. 

Kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV (tháng 3 và 4/2021) đã bầu hoặc phê chuẩn các nhân sự được giới thiệu.

Hội nghị Trung ương 3 (khóa XIII) lần này không bỏ phiếu giới thiệu hoặc lấy ý kiến lại với 3 chức danh chủ chốt cũng như 24 chức danh lãnh đạo khác nêu trên; mà chỉ giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Như vậy, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 tới sẽ bầu hoặc phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo, gồm các nhân sự đã được giới thiệu qua hai hội nghị Trung ương nêu trên.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị Trung ương 3 (khóa XIII) đã quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khoá XIII.

Theo đó, Quy chế làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII có những bổ sung, sửa đổi tuy không nhiều nhưng quan trọng, liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của Ban chấp hành Trung ương, của Uỷ viên Trung ương (bao gồm cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư), của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm và quyền hạn của Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư, của Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, và về chế độ làm việc, phương pháp công tác...

Những nội dung mới của Quy định thi hành Điều lệ Đảng lần này chủ yếu tập trung vào một số vấn đề để làm tốt hơn công tác đảng viên như: Giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; công nhận đảng viên chính thức; phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng; một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên; việc lập các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp uỷ; sinh hoạt định kỳ của đảng bộ, chi bộ cơ sở; đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp và khai trừ đảng viên; tổ chức cơ quan kiểm tra; khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên; đảng đoàn và ban cán sự đảng...

Về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, Tổng bí thư nói bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn.

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn trước, có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng, địa bàn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. "Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...", Tổng bí thư nói.

Ông nêu rõ từng bước xây dựng xã hội có trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống của nhân dân yên bình và hạnh phúc...

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục được bổ sung, tạo sự thống nhất cao về các vấn đề lớn, trong đó có cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh... Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu; qua đó đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao.

"Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xoá bỏ cơ chế "xin - cho"; chống tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong đầu tư công", Tổng bí thư nói.

Tại hội nghị, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung hai Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; đồng thời quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương; khai trừ ra khỏi Đảng ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương.

P.V