16 đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 04:44, 10/07/2021
BYT huy động tối đa lực lượng để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng
Bộ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long cho biết, để chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thành công, BYT và Ban Chỉ đạo chiến dịch mong nhận được sự hưởng ứng tích cực và hợp tác nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả của các chính quyền các cấp và toàn thể người dân Việt Nam.
Chiến dịch huy động hệ thống chính trị tham gia, huy động tối đa lực lượng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, công an, quân đội…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính huy động tất cả nguồn lực y tế tham gia chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Ảnh: T.N. |
Ông Nguyễn Thanh Long cũng thông tin trong tháng 7, hơn 9 triệu liều vaccine được chuyển cho Việt Nam, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, TP phía Nam. Tất cả vaccine được BYT cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các quốc gia, các tổ chức, đối tác nước ngoài để thúc đẩy việc thực hiện cam kết cung ứng vaccine cho Việt Nam theo đúng tiến độ.
"Tiêm đến đâu, an toàn đến đó"
Bộ trưởng BYT nhấn mạnh, trong công tác tiêm chủng, Việt Nam luôn quán triệt đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng “tiêm đến đâu an toàn đến đó".
Ông Long kêu gọi toàn thể người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện phòng chống dịch, xác định việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, đất nước. Ngành y tế và các lực lượng sẽ nỗ lực hết mình, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ và triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.
Đồng thời, cơ quan này sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để các loại vaccine đang được nghiên cứu, thử nghiệm tại Việt Nam sớm đưa vào sản xuất, phê duyệt phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước; đồng thời đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, từng bước xây dựng an ninh vaccine cho Việt Nam.
Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, BYT đã rất nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam. Với hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán, Việt Nam đã có được 105 triệu liều vaccine trong năm 2021, hướng tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Cũng trong buổi lễ, Việt Nam tiếp nhận 2 triệu liều vaccine Covid-19 Moderna theo theo cơ chế Covax Facility và 126 ôtô chuyên dụng (63 xe vận chuyển vaccine, 63 xe tiêm chủng lưu động). BYT cho biết sẽ chuyển khẩn cấp 1 triệu liều vào TP.HCM để phòng chống dịch.
Ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ trao tặng vaccine cho Việt Nam. Ảnh: T.N |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ, cho biết: "Lô vaccine này là một phần cam kết của Mỹ trong nỗ lực chống dịch Covid-19 trên toàn cầu". Ông khẳng định sẽ có thêm nhiều vaccine Covid-19 hơn nữa đến Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay Việt Nam mới có vaccine.
"Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2021. Tuy nhiên, sau tháng 9, lượng vaccine về Việt Nam sẽ nhiều, vì thế chúng ta đặt ra là tăng độ bao phủ với người dân" - Bộ trưởng cho hay.
16 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng
Ở kế hoạch lần này, BYT nêu rõ nhóm được tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine, theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, có 16 nhóm được ưu tiên tiêm chủng gồm:
- Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân)
- Người tham gia phòng chống dịch (thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...)
- Lực lượng quân đội
- Lực lượng công an
- Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam
- Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
- Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước
- Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá..., thường xuyên tiếp xúc với nhiều người
- Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi
- Người sinh sống tại các vùng có dịch
- Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội
- Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam
- Người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các DN (bao gồm DN trong KCN, KCX, DN kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch...), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế..., cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch
- Các chức sắc, chức việc tôn giáo
- Người lao động tự do
- Những người khác theo quyết định của Bộ trưởng Y tế hoặc chủ tịch UBND tỉnh, TP và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine Covid-19 cho BYT.
Theo quyết định này, nhóm được tiêm chủng thuộc các cơ sở, tổ chức, DN nêu trên bao gồm cả nhà nước và tư nhân.
Quyết tâm "Không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào"
Đầu tiên, việc thiết lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine được tổ chức dưới sự điều hành của BYT và Bộ Quốc phòng. Vaccine được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các quân khu tới thẳng các điểm tiêm.
Thứ hai, thiết lập hệ thống giám sát chất lượng thông qua giám sát toàn bộ quy trình bảo quản, vận chuyển tổ chức tiêm và quản lý điều hành trực tuyến toàn bộ quá trình tiêm chủng.
Thứ 3, chiến dịch huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước từ trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân.
Thứ 4, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân và cấp hộ chiếu vaccine trong tương lai.
Bộ trưởng BYT cũng khẳng định các bộ, ban - ngành quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 của Việt Nam".
Cuối 2021 - tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine Covid-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine Covid-19 đủ 2 liều.
BYT đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine Covid-19 trong năm 2021. Hết quý I/2022, trên 70% dân số được tiêm vaccine.
Nhóm được tiêm là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine, theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngoài ra, 16 nhóm người và 4 nhóm tỉnh, thành phố được ưu tiên tiêm chủng.
Chiến dịch sử dụng đồng thời các loại vaccine đủ điều kiện từ nhiều nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ; đảm bảo tiêm hết số lượng vaccine trước khi hết hạn để tránh lãng phí.