Phát hiện mới về biến chủng Delta
Quốc tế - Ngày đăng : 09:31, 12/07/2021
Hình minh họa cho thấy biến thể Delta (màu đỏ) liên kết với một thụ thể trên tế bào cơ thể người (màu xanh). Các chữ số trong hình minh họa này cho thấy các vị trí đột biến chính của biến thể Delta. Ảnh: Science Source |
Trong nghiên cứu được công bố hôm 7/7, các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho biết biến chủng Delta lây lan nhanh hơn khoảng 225% so với phiên bản gốc của SARS-CoV-2.
Lý giải cho khả năng này của Delta, nhóm nghiên cứu cho biết biến chủng này phát triển nhanh hơn bên trong đường hô hấp của con người và lên tới nồng độ cao hơn nhiều các biến chủng khác, theo NPR.
Trung bình, những người nhiễm biến chủng Delta có số lượng virus trong đường hô hấp nhiều hơn khoảng 1.000 lần so với những người bị nhiễm dòng SARS-CoV-2 nguyên bản, nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, sau khi ai đó bị nhiễm biến chủng Delta, họ có thể có khả năng lây truyền virus sớm hơn. Trung bình, mất khoảng 4 ngày để Delta đạt đến mức độ có thể bị phát hiện trong một người, nhưng đối với chủng SARS-CoV-2 nguyên bản phải mất 6 ngày.
Kết quả trên được rút ra sau khi các nhà khoa học phân tích mẫu từ các bệnh nhân Covid-19 trong đợt bùng phát đầu tiên do biến chủng Delta, từ ngày 21/5 đến ngày 18/6 ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Tổng cộng 62 mẫu nhiễm biến chủng Delta đã được so sánh với 63 mẫu của 63 người nhiễm phiên bản ban đầu của Covid-19 vào năm 2020.
Từ kết quả trên, các nhà khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của việc cách ly sớm trong 14 sau khi tiếp xúc với người bệnh, cũng như tiêm phòng vaccine đầy đủ 2 mũi.
Một liều vaccine không hiệu quả trước biến chủng Delta
Trong khi đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp công bố trên tạp chí Nature hôm 8/7 cho thấy một liều vaccine Covid-19 hầu như không có hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Delta, vì vậy cần tiêm đủ hai liều, theo Washington Post.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng biến chủng Delta có các đột biến cho phép nó có khả năng tránh được một số kháng thể do vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên tạo ra. Do đó, nếu chỉ tiêm một trong hai liều vaccine, cơ thể con người sẽ "hầu như không" được bảo vệ trước biến chủng này.
Tuy nhiên, đối với những người được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 - với phác đồ theo khuyến nghị là hai mũi vaccine Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca, họ sẽ được bảo vệ đáng kể trước biến chủng Delta.
Kết luận này giống với một nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học Mỹ, được xuất bản trên Chuyên san Y học New England hôm 7/7.
Điểm mấu chốt là, trong thời điểm biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng như hiện nay, việc tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 có thể tạo ra bức "tường thành" miễn dịch vững chắc, hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ tiêm một mũi.
Nhóm chuyên gia này nghiên cứu mẫu máu của 100 người, hầu hết đều chưa được tiêm vaccine hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. Ngoài ra, họ cũng xem xét những người được tiêm một hoặc đủ hai liều vaccine.
Olivier Schwartz - nhà khoa học chính của nghiên cứu này, đồng thời là người đứng đầu Đơn vị Miễn dịch và Virus tại Viện Pasteur ở Paris - cho biết kháng thể được tạo ra từ miễn dịch tự nhiên hoạt động không hiệu quả bằng các kháng thể được tạo ra từ vaccine trong việc ngăn chặn biến chủng Delta.
Monica Gandhi, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, cho rằng nghiên cứu này "thực sự chứng minh được sự cần thiết phải tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19 để chống lại biến chủng Delta".
Lần đầu xuất hiện tại Ấn Độ, biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng ở hầu hết quốc gia.
Andy Slavitt, cựu cố vấn cấp cao thuộc nhóm phản ứng với Covid-19 của Tổng thống Joe Biden, cho rằng nên coi "biến chủng Delta là phiên bản 2020 được nâng cấp của Covid-19" vì nó có khả năng lây nhiễm cao gấp đôi.
Theo phân tích của Financial Times, biến chủng Delta hiện chiếm phần lớn trong số các trường hợp mắc Covid-19 được giải mã trình tự gene ở Mỹ. Ước tính cứ 5 bệnh nhân Covid-19 thì có 3 trường hợp liên quan đến biến chủng này.