Các gói hỗ trợ - Cần cách làm mới

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:30, 12/07/2021

Trong bối cảnh cần khôi phục nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để các chính sách khả dĩ nhất, nhiều góc nhìn cho rằng, cần có giải pháp mới cụ thể và quyết liệt hơn.
Các gói hỗ trợ - Cần cách làm mới

Có hỗ trợ vẫn chưa thông

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm hỗ trợ DN và người dân với các gói chính sách lớn: gói 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng, 180.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn hoãn nộp thuế, 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0%, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với giá trị khoảng 73,1 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng có giá trị khoảng 36,6 nghìn tỷ đồng... Nhưng thực tế, cũng còn rất nhiều chính sách chỉ nằm trên giấy mà chưa thể thực hiện do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện quá chặt. 

bai1-tang-truong-2-2995-1626064303.jpg

Theo một khảo sát đến đầu tháng 10/2020 của VCCI, có khoảng 80% DN cho biết, không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ vì DN không đáp ứng đủ điều kiện, gặp phải những rào cản, thủ tục phức tạp. Đó là lý do nhiều DN và người dân vẫn than khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng trong khi đang khát vốn đầu tư sản xuất kinh doanh và trả lương để giữ chân người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, kéo dài.

Nói về gói hỗ trợ an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng lần này, TS. Greeni Maheshwari - Giảng viên Kinh tế và Tài chính Đại học RMIT cho rằng, vào năm 2020, báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chắc chắn về cách sử dụng các chính sách hỗ trợ này do thiếu các hướng dẫn rõ ràng. Do đó, Chính phủ năm nay cần đảm bảo rằng các dịch vụ hỗ trợ sẵn có cho các DN bị ảnh hưởng và người dân được truyền thông rõ ràng để họ có thể tận dụng và điều này sẽ giúp họ yên tâm, vượt qua những khó khăn mà đại dịch phải đối mặt.

Cần cách làm mới 

Trước thực tế nhiều DN than thở tiếp cận nguồn hỗ trợ từ ngân sách khó khăn, chuyên gia TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất xây dựng tổ hợp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, các ngân hàng làm việc với nhau và cùng đóng góp vào đó. Tất cả ngân hàng đều phải tham gia vào tổ hợp tín dụng với hạn mức là 300 nghìn tỷ đồng. Số tiền này phải được điều hành bởi một ngân hàng được bầu ra và cho các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. 

Theo vị chuyên gia này, DN được vay với thời hạn 5 năm, trong đó thời gian 3 năm đầu là vay tuần hoàn (vay - trả, vay - trả) và 2 năm sau là trả dần, với mức lãi suất từ 3-5%. Hiện các ngân hàng có nguồn vốn huy động từ các tài khoản không kỳ hạn, gọi là nguồn vốn Casa ở các ngân hàng lớn rất cao, có ngân hàng lên tới 40%. Các ngân hàng lấy nguồn vốn từ các tài khoản gửi không kỳ hạn với lãi suất cực thấp, thậm chí là bằng 0% để đóng góp vào tổ hợp tín dụng để cho các DN vay với lãi suất 3-5%. Đặc biệt, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, cần cho các DN vay với hình thức tín chấp. Song như vậy sẽ rủi ro đối với các ngân hàng. Do đó, rất cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia với vốn điều lệ 30 nghìn tỷ đồng và cho phép quỹ này bảo lãnh lớn gấp 10 lần số vốn tự có và phù hợp tổ hợp tín dụng với hạn mức 300 nghìn tỷ đồng. Với cơ chế này, các ngân hàng cho DN vay dưới sự bảo lãnh của quỹ này giảm thiểu được rủi ro và cho vay tín chấp với lãi suất thấp.

Chia sẻ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng mới đây, ông Quách Doanh Nghiệp cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp kích thích tăng trưởng cụ thể hơn. Thứ nhất, gia tăng vận tốc của tiền bằng cách thúc đẩy việc chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ. Như vậy hàng hóa và dịch vụ sẽ lớn, kích thích sản xuất, tăng việc làm, tăng thu nhập và cuối cùng thúc đẩy gia tăng GDP. 

bai1-tang-truong-1-3579-1626064303.jpg

Để làm được việc này, ông Nghiệp cho rằng, Chính phủ cần cải cách chính sách an sinh xã hội, để khoản tiền hỗ trợ được nhanh chóng trao tận tay đến người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, có thu nhập thấp. Khi có tiền trao tay họ sẽ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, sức mua tăng, kích thích quá trình sản xuất, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Về tăng trưởng tín dụng, Chính phủ cần có các gói giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng đến các DN, hộ gia đình. Bên cạnh đó, siết chặt các dòng vốn đi vào khu vực đầu cơ bất động sản hoặc đầu tư vào cổ phiếu để tránh sự lệch lạc của dòng tiền đầu tư, gây ra tình trạng bong bóng tài sản không có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo khuyến nghị mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với các nước đang phát triển, các Chính phủ cần bắt đầu bằng việc khuyến khích sản xuất và phân phối vaccine phòng, chống Covid-19, sau đó cần cải cách chính sách tài chính công cho hướng giảm dần hỗ trợ cho nền kinh tế, đồng thời dỡ bỏ các thể chế. Cuối cùng là tìm cách đầu tư hướng đến tăng trưởng theo hướng đổi mới công nghệ cao hơn và xanh hơn, bền vững hơn.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM cũng nhận định: “Đã đến lúc Chính phủ cần tăng các khoản chi tiêu đầu tư, tăng nợ công để hỗ trợ các hộ gia đình, người lao động và các DN bị tổn thương”. GS. Thơ cho rằng, việc triển khai gói hỗ trợ và kích thích tài khóa lần đầu vào năm 2020 đã không mấy hiệu quả vì chẳng mấy đối tượng được hưởng lợi ích như kỳ vọng.

Ông nhận định: “Chúng ta hoàn toàn chia sẻ lo ngại rủi ro tài chính công và tính bền vững của nợ công, nhưng cũng nên sớm kịp nhận ra rằng, nếu những hậu quả kinh tế - xã hội của đại dịch lớn hơn nhiều so với các tính toán thiệt hơn vô cảm về trần nợ công và chỉ tiêu ngân sách vào lúc này, sẽ tạo ra rủi ro, thậm chí còn lớn hơn đối với sự thịnh vượng lâu dài của nền kinh tế và tính bền vững của tài khóa”.

Theo đề xuất giải pháp của GS-TS. Trần Ngọc Thơ thì các gói hỗ trợ phải đủ lớn, đơn giản và hiệu quả. Lấy ví dụ gói an sinh xã hội cho người lao động, giáo sư phân tích nếu chỉ phát tiền cho người lao động, người dân nhưng họ không chi tiêu mà để dành tiết kiệm thì sẽ không hoặc ít hiệu quả. Thay vào đó, có thể phát phiếu mua hàng, có thời hạn nhất định theo kiểu mua 1 tặng 3, nghĩa là người dân nhận phiếu chỉ chi trả một đồng cho món hàng trị giá 3 đồng, phần chênh lệch sẽ được ngân sách chi trả. Cách làm này vừa hỗ trợ người lao động, vừa kích cầu kinh tế địa phương.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn:

“Hiện nay, Chính phủ đang đặt mục tiêu kép vừa phòng, chống đại dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất. Vì thế trước mắt, việc duy trì hoạt động sản xuất là quan trọng nhất. Trong đó, có ba giải pháp cần làm là ngăn chặn lây lan dịch bệnh, tăng cường tiêm chủng để đạt mức an toàn nhất cho người dân và đảm bảo phúc lợi xã hội, nhất là công nhân thất nghiệp, những người làm việc tự do. Với gói hỗ trợ an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng, lần này nên phân bổ cho địa phương để họ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên kịp thời và hiệu quả”.

Ý Nhi