Bài 1: Xuất khẩu tốt, nhân lực khó

Cơ hội & Thách thức - Ngày đăng : 06:00, 13/07/2021

Hầu hết thị trường nhập khẩu lớn mở cửa đang đổ nhiều đơn hàng xuất khẩu về cho doanh nghiệp (DN). Điểm trừ lúc này là lực lượng lao động giảm sút.

Đón điểm rơi đơn hàng 

Từ đầu năm đến nay, hầu hết DN ngành may xuất khẩu đều nhận tín hiệu tích cực. Không chỉ đơn hàng tăng mà giá gia công đã tăng 20% so với năm trước.

Những ngày này, hoạt động của Công ty Dony rộn ràng hơn bởi hợp đồng giao 30.000 sản phẩm cho đối tác Mỹ phải hoàn tất trong tháng này và đơn hàng 3.000 sản phẩm của khách hàng Nhật phải xuất trong tuần sau. Công ty May Sài Gòn 3, Việt Thắng Jean cũng có nhiều đơn đặt hàng và DN đang phải tăng ca để giao hàng đúng hẹn. Công ty Giày Minh Thông đã có đơn hàng đến hết tháng 12/2021 và còn nhiều đơn hàng mới từ đối tác nhưng không dám nhận thêm vì... làm không xuể!

bai2-detmay-2-1749-1626079761.jpg

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, chủ yếu đơn hàng xuất khẩu của ngành may đến từ thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. 6 tháng đầu năm nay, các thị trường này phục hồi, nhu cầu tăng ở phân khúc trang phục phổ thông như quần tây, áo thun, sơ mi, trong khi trang phục thời trang, áo vest lại giảm. Ông Hồng cho biết thêm: “Một số quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam cũng đang đối mặt với đại dịch, nhà máy của họ đóng cửa nên đơn hàng được chuyển cho Việt Nam. Hiện nay, nhiều DN đã có gần đủ đơn hàng quý III, thậm chí có cả đơn hàng cho quý IV”. 

Link bài viết

Ông Hồng nói: “Nếu không có gì thay đổi thì doanh số xuất khẩu của ngành năm nay sẽ đạt 40 tỷ USD, tăng khoảng 5 tỷ USD so với con số 35 tỷ USD năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề lo nhất hiện nay là phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo tiêu chuẩn 5K, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đơn hàng”.

Cũng giữa tháng 6, Công ty CP Pacific Foods đã xuất những lô hàng vải thiều Lục Ngạn đi 27 quốc gia châu Âu sau chuyến hàng khởi đầu thuận lợi đưa trái vải Thanh Hà sang Cộng hòa Séc. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục có những đơn hàng mới cho mặt hàng gia vị (nước mắm, tương ớt) sang Mỹ và châu Âu và dự kiến sẽ tăng trưởng thị phần thêm 6% so với năm 2020. 

Vẫn nhiều điểm khó

Xuất khẩu tốt là vậy nhưng các DN xuất khẩu đang đối diện với khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, giá thành dịch vụ logistics cao, giá nguyên liệu cũng cao. Ông Lê Bá Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Pacific Foods cho biết, xuất khẩu còn phụ thuộc vào vùng nguyên liệu phải đạt chuẩn Global GAP; khâu thu hoạch, chọn lựa, sơ chế, đóng gói và bảo quản cũng phải đúng chuẩn HACCP.... 

157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2021.Trong đó có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.  Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, kế tiếp là thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản (theo Bộ Công Thương).

Một khó khăn nữa là các DN còn thiếu nguồn cung lao động đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty Dony than thở, hiện số lượng đơn hàng đã quay về thời điểm nhộn nhịp của năm 2019 nhưng lại thiếu công nhân.Trước đây, lao động thường chuyển từ DN này sang DN khác nhưng từ năm 2020 đến nay, đa phần DN giảm lao động nên người lao động phải chuyển nghề hoặc về quê tránh dịch. Vì vậy, khi DN có đơn hàng muốn tuyển lại lao động không có. Giải pháp ngắn hạn của các DN ngành may vẫn là chia sẻ đơn hàng cho nhau và tăng ca để kịp đáp ứng đơn hàng. 

Ngay cả những DN lớn như Nhà Bè, Việt Thắng Jean...khi nhận đơn hàng cũng đều phải chia sẻ cho các đối tác gia công. Họ hầu như chỉ đảm nhận những khâu trọng yếu, còn những phần việc phụ và nhẹ hơn phải gia công bên ngoài. Về nguyên tắc, nếu DN từ chối những đơn hàng lớn thì rất khó để có những đơn hàng tiếp, vì thế trong tình hình này, hầu như DN nào cũng nhận những đơn hàng vượt từ 20-30% năng lực sản xuất để giữ chân khách hàng. 

Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ công ty có nhiều đơn hàng xuất khẩu nhưng lại thiếu khoảng 20% lao động. Giải pháp là gì? Ông Việt cho biết: “Hiệp hội đã phân nhóm sản xuất theo từng loại hàng, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ đơn hàng để hỗ trợ nhau.

Hiện nay Việt Thắng Jean đang sản xuất 8 tiếng/ngày và giãn thành hai ca, tuân thủ quy định phòng dịch. Trong tình huống xấu nhất, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, chúng tôi không tăng ca mà linh hoạt kéo dài thêm 1-2 tiếng để đảm bảo thời gian giao hàng. Ngay thời điểm Gò Vấp giãn cách theo Chỉ thị 16, các DN trong Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM đã có phương án hỗ trợ sản xuất cho hai doanh nghiệp cùng ngành ở đây là X28, X22. Riêng Việt Thắng Jean đã tách riêng một số dây chuyền, sẵn sàng sản xuất cho đơn vị bạn khi cần”.

Bài 2:Xuất khẩu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế

H. Bảy - H. Nga - B. Tâm