Bài 2: Xuất khẩu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 13/07/2021
TS. Huỳnh Thế Du |
* Nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 chịu áp lực khá lớn từ đợt dịch bùng phát hồi cuối tháng 4 vừa qua, tuy nhiên GDP vẫn tăng 5,64%. Đâu là động lực để đạt được con số ấy, thưa ông?
- Việt Nam đã dùng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với chi phí thấp và hiệu quả. Đó là đeo khẩu trang, giãn cách, cách ly, truy vết. Ngay cả những thời điểm giãn cách xã hội hay phong tỏa ở một số nơi theo Chỉ thị 15 hay 16 của Chính phủ, nhưng áp dụng không quá mạnh và linh hoạt. Rõ ràng nước ta không đóng cửa nền kinh tế, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng tốt trước những biến động không quá lớn. Do đó, về cơ bản, kinh tế thời gian qua không sụt giảm quá mức so với trước dịch cho nên GDP vẫn giữ được con số như Tổng cục Thống kê vừa công bố.
* Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh đang lan rộng, theo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers' Index - PMI) mà IHS Markit (công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng) công bố đầu tháng 7, ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm từ 53,1 điểm của tháng 5 xuống còn 44,1 điểm trong tháng 6. Theo ông tình hình này có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay?
- Đợt dịch lần thứ tư đã kéo dài hơn hai tháng và chưa có dấu hiệu dừng. Các biện pháp hiện nay là chống dịch chứ không còn phòng dịch, thể hiện qua việc Chính phủ và các địa phương phải áp dụng các giải pháp mạnh, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Sự ảnh hưởng đang thể hiện qua chỉ số PMI mà IHS Markit đã công bố. Chỉ số PMI thể hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ số này giảm là đáng quan ngại khi nhìn về tương lai, các hoạt động kinh tế có khả năng giảm sút mạnh. Do đó, theo tôi, kinh tế 6 tháng cuối năm rất khó đạt được tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm.
* Một điều đáng mừng là xuất khẩu của Việt Nam đang khá tốt nhờ các FTA và những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, các nước EU mở cửa trở lại. Yếu tố này liệu có mang đến động lực tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm của nước ta?
- Tôi đồng tình với quan điểm động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là dựa vào xuất khẩu. Hiện nền kinh tế các nước đang mở, Mỹ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,6% trong năm nay, hay dân chúng các quốc gia thuộc EU cũng bắt đầu tự do đi lại, tự do mua sắm. Điều này thể hiện qua việc doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều ngành như dệt may, da giày, nông thủy sản, linh kiện điện tử đang có nhiều đơn hàng, công nhân phải làm việc tăng ca. Tức là không phải thiếu cầu mà là khả năng đáp ứng đơn hàng. Nghĩa là xuất khẩu 6 tháng cuối năm không phải là thiếu đơn hàng, thiếu việc mà là doanh nghiệp đang lo ngại dịch tiếp tục bùng phát, phải đóng cửa sản xuất. Thời gian qua đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh và gần đây là TP.HCM phải đóng cửa để phòng dịch. Tôi hy vọng Chính phủ và các địa phương sẽ sớm khống chế được đợt dịch này để doanh nghiệp kịp tận dụng cơ hội xuất khẩu.
* Từ giữa năm 2020, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ, song dường như chưa tới được cuộc sống. Theo ông, thời điểm này cần chính sách hỗ trợ như thế nào để giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất?
- Với đặc thù kinh tế ở Việt Nam thì việc nhận được các gói hỗ trợ là không dễ. Muốn được Nhà nước hỗ trợ thì phải chứng minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Với người dân, nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm làm ở khu vực phi chính thức. Chẳng hạn như một người bán vé số bị ảnh hưởng thu nhập nhưng không chứng minh được điều đó. Như vậy không có cơ sở để hỗ trợ cho nhóm này. Cuối cùng phải dựa vào danh sách hộ nghèo, hộ yếu thế do phường, xã thống kê. Mà số này theo thống kê lại rất nhỏ so với nhóm thực tế bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Hay như tiểu thương có đóng thuế đầy đủ không, có thống kê doanh thu đầy đủ không. Nếu họ không kê khai được thiệt hại cụ thể thì gói hỗ trợ không thể giải ngân. Tương tự với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đăng ký kinh doanh thường khai báo lãi rất ít, hoặc lỗ, doanh thu, nguồn thu không khai báo minh bạch, thậm chí là né đóng bảo hiểm xã hội, có đóng thì tỷ lệ ở mức thấp nhất nên khi xảy ra đại dịch, muốn được hỗ trợ phải theo danh sách có chứng từ bài bản.
Đó là lý do khiến những gói hỗ trợ của Nhà nước lâu nay vẫn không thể giải ngân sớm được. Do đó, theo tôi, nếu bây giờ có yêu cầu Chính phủ tung ra thêm gói hỗ trợ thì cũng rất khó giải ngân, vấn đề không phải là nguồn tiền thiếu mà là các tiêu chí nhận tiền có đáp ứng được hay không.
* Cảm ơn ông!
Bài 3: Nhập siêu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh