Bán vàng để trang trải cuộc sống: 'Phao cứu sinh' cuối cùng mùa dịch
Quốc tế - Ngày đăng : 00:00, 13/07/2021
Năm ngoái, Paul Fernandes đã vay một khoản tiền sử dụng vàng làm tài sản thế chấp để đóng học phí cho con, sau khi ông mất việc tại một hãng tàu du lịch. Bước sang năm nay, nhân viên bồi bàn 50 tuổi này lại phải tiếp tục bán các món trang sức bằng vàng để có tiền trang trải cuộc sống, sau khi thất bại trong việc kinh doanh tại nhà và không thể tìm một công việc mới.
Trong bối cảnh làn sóng dịch thứ nhất và thứ hai tại Ấn Độ đẩy hàng triệu người lâm vào cảnh nghèo đói hoặc phá sản, vô số người dân quốc gia Nam Á đã buộc phải sử dụng đến chiếc "phao cứu sinh" cuối cùng: Bán trang sức bằng vàng để lấy tiền trả chi phí sinh hoạt.
Tại vùng nông thôn Ấn Độ - khu vực tiêu thụ vàng thỏi lớn nhất, làn sóng dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và thu nhập của người dân. Do có ít ngân hàng tại nông thôn, nên người dân ở các khu vực này chủ yếu dựa vào vàng trong những lúc cần thiết, vì đây là tài sản dễ thanh lý.
Theo Chirag Sheth - chuyên gia tư vấn tại Metals Focus, làn sóng dịch thứ hai đã khiến gánh nặng tài chính tăng lên gấp bội, và có thể dẫn tới việc người dân phải bán vàng ra nhiều hơn so với năm 2020 - thời điểm họ vẫn lựa chọn vay tiền và sử dụng vàng làm tài sản thế chấp.
Link bài viết
Vị chuyên gia này cho biết, tổng nguồn cung vàng cũ, gồm cả vàng cũ được nấu chảy để tạo ra thiết kế mới, có thể vượt 215 tấn và tăng lên mức cao nhất trong 9 năm, nếu làn sóng lây nhiễm mới xuất hiện. Đối với một quốc gia nhập khẩu gần như toàn bộ vàng từ Thụy Sĩ như Ấn Độ, việc nguồn cung trong nước tăng vọt cũng sẽ kìm hãm dòng vốn nước ngoài đổ về.
"Họ vốn đã đối mặt với vấn đề tài chính vào năm ngoái và phải nhờ tới các khoản vay thế chấp bằng vàng để giải quyết chúng. Năm nay, một lần nữa, họ lại gặp khó khăn về tài chính với khả năng làn sóng dịch thứ 3 bùng phát, đồng nghĩa nền kinh tế có thể sẽ lại đóng cửa và người thất nghiệp tràn lan", Sheth nói.
"Chúng ta có thể sẽ chứng kiến lượng vàng bán ra tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 năm nay, khi làn sóng dịch thứ 3 bắt đầu thực sự bùng phát", ông bổ sung.
Trên thực tế, hàng loạt người dân Ấn Độ, vốn đã thoát khỏi cảnh nghèo, đang phải đối mặt với tương lai u ám hơn bao giờ hết, khi lệnh phong tỏa nhiều khả năng sẽ làm tê liệt nền kinh tế và khiến họ có nguy cơ mất việc. Được biết, hơn 200 triệu người dân quốc gia Nam Á đã ghi nhận thu nhập trở về thấp hơn mức lương tối thiểu, tức ít hơn 5 USD/ngày.
Quý I/2021, theo sau một đợt vàng giảm giá mạnh, Manappuram Finance - một trong những đơn vị cho vay thế chấp bằng vàng lớn nhất Ấn Độ, đã phải bán đấu giá số trang sức vàng tương đương 4,04 tỷ Rupee (54 triệu USD) mà khách hàng sử dụng làm tài sản thế chấp khi vay tiền.
Vào 9 tháng trước, con số này chỉ đạt 80 triệu Rupee. Lý do Manappuram phải bán số trang sức này, là vì khách hàng của công ty, vốn là những người làm công ăn lương theo ngày, hộ kinh doanh nhỏ lẻ và nông dân, không còn đủ khả năng trả nợ.
Giá vàng tại Ấn Đồ lao dốc sau khi chạm đỉnh vào tháng 8 năm ngoái. Ảnh: Bloomberg |
Theo James Jose - Giám đốc của CGR Metalloys Pvt, cho biết, tại miền nam Ấn Độ - nơi có mức tiêu dùng bình quân đầu người cao nhất nước, lượng vàng cũ được bán cho các cửa hàng kim hoàn cao hơn bình thường 25%.
"Sau lệnh phong tỏa, các cửa hàng kim hoàn mở cửa trở lại và bạn có thể thấy lượng khách ra vào các nơi này tấp nập vì hai lý do: Một là để mua vàng cho mùa cưới và hai là để bán vàng lấy tiền mặt", ông Jose nói.
Trong khi đó, dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, người dân Ấn Độ có xu hướng giảm mua vàng trong vài năm trở lại đây, do nền kinh tế suy yếu và khả năng chi tiêu sụt giảm vì chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Năm 2020 cũng là thời điểm doanh số bán vàng xuống thấp nhất trong hơn 2 thập niên qua.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng có thể phục hồi trong năm nay, tăng 40% so với năm ngoái, nhờ giá giảm và khoảng 50 tấn vàng dành cho mùa cưới năm 2020 được chuyển qua năm nay, Sheth nhận định. "Tất nhiên, làn sóng lây nhiễm thứ 3 vẫn là rủi ro lớn nhất cho nhu cầu vàng hiện nay".