Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ Trung Quốc dọa chiếm Đài Loan
Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 13/07/2021
Căng thẳng leo thang
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa tiến đánh Đài Loan, thông qua phát biểu của các vị tướng tá về khả năng sử dụng vũ lực với hòn đảo này. Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng từng khẳng định các biện pháp phi hòa bình đối với Đài Loan là lựa chọn cuối cùng.
Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã liên tục điều động số lượng lớn máy bay quân sự xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Hồi cuối năm ngoái, đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa có thể đánh phủ đầu trực diện Đài Loan khi có tình huống nghiêm trọng xuất hiện.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, có thể thấy giới cầm quyền Bắc Kinh càng khẳng định chính sách “một Trung Quốc”. Một trong những lời tuyên bố cứng rắn thường được đưa ra gần đây nhất là cảnh báo nếu Đài Loan độc lập sẽ dẫn đến bùng nổ chiến tranh.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những diễn biến này như một phép thử mà Trung Quốc đưa ra đối với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và xa hơn còn là lời cảnh báo về một “lằn ranh đỏ” đối với Washington. Trước những thay đổi về chính sách đối với Đài Bắc được Washington đưa ra trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng, bất cứ sự ủng hộ nào từ bên ngoài đối với sự độc lập của Đài Loan đều “không thể dung thứ”.
Đáp lại những lời đe dọa, Đài Loan đang tăng cường mua thêm vũ khí tối tân để tăng cường khả năng quân sự, như mới đây đã đàm phán mua tên lửa chống hạm Harpoon Block II từ Mỹ nhưng không tiết lộ số lượng. Nếu Washington đồng ý bán, Đài Bắc có thể nhận những tên lửa đầu tiên vào năm 2023. Theo giới lãnh đạo Đài Loan, để chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh, nếu chỉ dựa vào lượng tên lửa sản xuất trong nước thì không đủ.
Kinh tế bị ảnh hưởng
Nguy cơ về xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, giới quan sát lo ngại điều này sẽ khiến nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ.
Không chỉ Trung Quốc đang là nền kinh tế số 2 và là trung tâm sản xuất của thế giới, Đài Loan là một trong 4 “con hổ châu Á” với quy mô nền kinh tế lớn thứ 7 ở châu Á và thứ 22 trên thế giới, là địa bàn tập trung các nhà máy sản xuất chip, vốn có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghệ toàn cầu.
Đài Loan hiện có hai nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là TSMC và UMC, do đó Đài Loan đang có vai trò thống trị trên thị trường này, mà các quốc gia trong đó có Mỹ, Đức đều phải tìm đến để giải quyết “nút thắt” về chip bán dẫn. Đài Loan hiện thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu khi chiếm tới 63% doanh thu năm 2020.
Cần biết rằng thiết bị bán dẫn là linh kiện quan trọng trong mọi thiết bị điện tử, từ máy tính, điện thoại thông minh cho tới cảm biến phanh trên ô tô. Sản xuất thiết bị bán dẫn cần tới dây chuyền phức tạp gồm nhiều công ty, từ cung ứng công nghệ, vật liệu thô, thiết kế, cho tới máy móc. Hiện tại, TSMC và đối thủ Hàn Quốc Samsung là hai công ty duy nhất có khả năng sản xuất chip 5 nanomet - loại tiên tiến nhất thế giới hiện nay. TSMC đang chuẩn bị cho các chip 3 nanomet thế hệ mới và dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2022.
Không chỉ vậy, trong danh sách 100 hãng công nghệ hàng đầu thế giới, Đài Loan có đến 13 công ty, cùng với Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai, vượt qua Hàn Quốc chỉ có 3 công ty trong bảng xếp hạng. Có thể kể đến như Acer và Asus, với sản phẩm là các dòng máy tính xách tay (laptop) và phần nào là Foxconn với danh hiệu “nhà sản xuất iPhone”.
Trong bối cảnh nguồn cung chip bị thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian qua, dù Trung Quốc đại lục đang đẩy mạnh sản xuất chip để tự chủ hơn về công nghệ này, nhưng cuộc chiến công nghệ của nước này với phía Mỹ đang cản trở bước tiến của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là SMIC, nên nếu xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan nổ ra, thật khó đoán được ngành công nghệ toàn cầu cũng như kinh tế thế giới nói chung sẽ đi về đâu.