Đại dịch tác động tiêu cực đến xuất khẩu Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 00:51, 15/07/2021
Tắc nghẽn hàng hóa tại cảng
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 6 đã suy yếu trở lại, khi ước chỉ đạt 16,4%, thấp hơn nhiều dự báo là gần 25% và cũng thấp hơn mức tăng trưởng 28% trong tháng trước, trong bối cảnh các đợt bùng phát dịch mới đây đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu vốn chỉ mới ở thế phục hồi mong manh.
Theo đó, các biện pháp khử trùng và kiểm dịch nghiêm ngặt không chỉ khiến sản xuất tại các nhà máy ảnh hưởng, mà còn gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại cảng container quốc tế Yantian ở Thâm Quyến. Yantian là cảng đơn lẻ lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 10,5% sản lượng container ngoại thương, nhưng gần đây thỉnh thoảng phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Gã khổng lồ vận tải biển Maersk của Đan Mạch cũng đã cảnh báo, Yantian là điểm nghẽn đáng kể hiện nay trong thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cho rằng tình trạng tồn đọng hàng hóa tại các cảng do dịch bệnh bùng phát trong công nhân tại các điểm nóng này sẽ phải mất vài tuần để giải quyết.
Bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn cảng ở Thâm Quyến, sản lượng container trung chuyển qua 8 cảng lớn của Trung Quốc trong giai đoạn nửa đầu tháng 6 đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên lượng hàng thông quan tăng trưởng âm kể từ Tết Nguyên đán - theo số liệu từ Hiệp hội Cảng Trung Quốc. Tình trạng tắc nghẽn cảng cũng đang lan sang các khu vực khác như Ninh Ba và Thượng Hải.
Chẳng những vậy, trước xu hướng giá thuê container tăng mạnh từ cuối năm ngoái đến nay, đồng nhân dân tệ tăng giá cộng thêm giá nguyên liệu tăng cao, cũng đã tác động xấu đến chi phí đầu vào cũng như lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này đã phần nào kìm hãm khả năng sẵn sàng nhận thêm đơn đặt hàng của Trung Quốc, hoặc phải chấp nhận tăng giá bán mà rốt cuộc cũng sẽ ảnh hưởng lên lượng hàng tiêu thụ.
Lo mất đơn hàng
Lo mất đơn hàng là có cơ sở, khi dịch Covid-19 bùng phát không chỉ ảnh hưởng lên hiệu suất vận hành tại các cảng, khiến hàng hóa tồn đọng mà còn gây áp lực tâm lý lên doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí tạm ngừng sản xuất.
Như tại Quảng Đông, khu vực chiếm khoảng 10% sản lượng kinh tế của Trung Quốc, sản xuất gần đây đã bị tàn phá bởi một loạt biến cố, từ giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao, chi phí vận chuyển leo thang, tình trạng thiếu điện và các đợt phong tỏa, đóng mở giãn cách xã hội vì Covid-19. Quảng Đông thời gian qua đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hàng loạt kể từ khi dịch bùng phát và chính quyền tỉnh đã đưa ra 15 biện pháp đặc biệt vào tháng 6 để tăng cường phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.
Dịch Covid-19 bùng phát không chỉ ảnh hưởng lên hiệu suất vận hành tại các cảng, khiến hàng hóa tồn đọng, mà còn gây áp lực tâm lý lên doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp các trung tâm sản xuất của Trung Quốc, buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí tạm ngừng sản xuất.
Tình trạng này kéo dài khiến doanh nghiệp tại đây lo ngại có thể mất đơn đặt hàng vào các nhà máy khác. Hay như tại Quảng Châu và Dương Giang, nhiều nhà máy địa phương, đặc biệt là những nhà máy nhỏ, đang tạm ngưng hoạt động vì chợ bán buôn trong khu vực đã đóng cửa từ cuối tháng 5 đến nay.
Trong khi đó, giới phân tích dự báo những đợt bùng phát Covid-19 sẽ khó có thể sớm biến mất, do đó chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và tại Trung Quốc nói riêng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp không thể chủ động được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bàn giao đơn hàng hay bán hàng, vì các đợt dịch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của họ, với mỗi đợt có thể gây ra gián đoạn hoạt động có thể lên đến 4 tuần.
Trước tình hình này, các ngành công nghiệp khác buộc phải có giải pháp phòng ngừa rủi ro và điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể lên chi phí hoạt động, cũng như phải có phương án đánh giá lại thời gian sản xuất, kéo theo chi phí và lợi nhuận trong năm nay cũng sẽ bị tác động tiêu cực.