Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện "mục tiêu kép"?

Trong nước - Ngày đăng : 06:02, 16/07/2021

Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đầy thách thức. Quy định "3 tại chỗ" do UBND TP.HCM vừa ban hành, buộc các DN phải nhanh chóng thay đổi để thích nghi trong tình hình mới.
Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì để thực hiện

Doanh nghiệp sản xuất buộc phải quản trị chi phí thật tốt

Doanh nghiệp khó khăn và lúng túng trước quy định "3 tại chỗ"

Quy định “3 tại chỗ” buộc các DN phải bố trí khu làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi riêng tại DN nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch, tránh lây nhiễm chéo tại nơi làm việc. Tuy nhiên hiện không có nhiều DN có đủ diện tích và kinh phí để đảm bảo các điều kiện như vậy.

Trong điều kiện sản xuất bình thường trước đây, DN chỉ bố trí mặt bằng sản xuất hoặc bố trí thêm nơi ăn uống cho người lao động, riêng chỗ ở người lao động phải tự lo vì DN không đủ nguồn lực tài chính để thuê thêm mặt bằng bố trí nơi nghỉ hoặc ký túc xá cho người lao động. Quy định mới sẽ là gánh nặng rất lớn đối với DN.

Do đó, DN có 2 sự lựa chọn: một là cắt giảm số lao động trên mỗi ca kíp hoặc dây chuyền sản xuất để cải tạo lại văn phòng, nhà xưởng thành nơi ăn ở cho người lao động, hai là thuê nhà ở tập trung cho người lao động và bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt và chi phí đầu vào: nguyên liệu, xăng dầu, cước vận tải tăng cao như hiện nay, việc giảm hoặc thu hẹp quy mô sản xuất và phát sinh các chi phí ngoài dự kiến như: cải tạo nhà xưởng, văn phòng, bố trí chỗ ở, đưa đón công nhân là gánh nặng không hề nhỏ cho DN. DN buộc phải quản trị chi phí thật tốt để kinh doanh có hiệu quả. 

Mặt khác quy định này cũng gây ra khó khăn lúng túng cho các DN lĩnh vực dịch vụ mà địa bàn sản xuất không tập trung như vận tải hàng hoá, logistics hoặc các DN tín dụng, các DN chuyển phát…vì đặc thù của các loại hình DN này là sản xuất phân tán hoặc trụ sở không bảo đảm khả năng ăn ở, lưu trú. Tuy nhiên vì đây là các loại hình dịch vụ thiết yếu nên bắt buộc phải duy trì hoạt động để phục vụ nhu cầu quan trọng của người dân và DN, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Một điểm yếu chí tử của các DN Việt nam lâu nay là không có sự chuẩn bị chu đáo cho kịch bản suy thoái đó là chuẩn bị sẵn các chiến lược cắt giảm, bán bớt hoặc đóng cửa. Phần lớn các chiến lược dài hạn hoặc trung hạn của các DN Việt nam hiện nay đều tập trung vào tăng trưởng mà không có sự chuẩn bị cho trường hợp suy thoái nên khi xảy ra thách thức như dịch bệnh thì DN không có sự chủ động để đối phó.

Nếu DN đã có kịch bản dự phòng chuẩn bị cho chiến lược cắt giảm thì khi có quy định “3 tại chỗ” họ sẽ nhanh chóng chuyển sang phương án dự phòng và bắt tay ngay vào việc duy trì sản xuất chứ không bị động như hiện nay. Khi chuyển sang chiến lược cắt giảm, DN có thể giảm doanh thu lợi nhuận nhưng về cơ bản vẫn duy trì được sản xuất, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì để duy trì mục tiêu kép?  

Trước hết chính quyền TP cần làm rõ hơn quy định “3 tại chỗ” áp dụng cho những loại hình DN cụ thể. Thiết nghĩ, quy định này nên áp dụng cho các DN trong KCX, KCN, khu công nghệ cao, hoặc những DN sản xuất tập trung là những nơi có đủ điều kiện về mặt bằng để áp dụng quy định này. DN chỉ cần bố trí lại ca kíp, cắt giảm diện tích văn phòng, nhà xưởng để cải tạo thành nơi ăn nghỉ, phục vụ yêu cầu chống dịch.

Quy định này không nên áp dụng với các DN dịch vụ thiết yếu nhưng hoạt động sản xuất phân tán như vận tải hàng hoá, logistics hoặc các DN đặc thù như ngân hàng. 

Đối với các DN không có đủ điều kiện “3 tại chỗ” mà thực hiện phương thức “1 cung đường - 2 địa điểm” thì cần có sự liên kết của các DN có liên quan như: các DN trong lĩnh vực khách sạn, vận tải khách, vận tải công cộng để hỗ trợ DN sản xuất. Các DN hoạt động trong các lĩnh vực nêu trên hiện đang ngừng hoạt động nếu có thể liên kết với các DN sản xuất sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhau. Nhà nước và các hiệp hội ngành nghề có thể đứng ra làm đầu mối liên kết, đảm bảo nguyên tắc hai bên cùng có lợi (win-win) trong tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện tại. 

Các DN đang duy trì sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” đang phải chịu áp lực tăng chí phí sản xuất do giảm quy mô sản xuất, phát sinh chi phí ăn ở, đi lại để đảm bảo điều kiện phòng dịch cần được nhà nước miễn giảm chi phí thuê mặt bằng, hỗ trợ chi phí cải tạo nhà xưởng, văn phòng, chi phí ăn ở, đưa đón người lao động để giàm bớt khó khăn. Chính sách hỗ trợ này vừa cứu DN vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế. Nếu DN phải đóng cửa do thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước thì thiệt hại cho nền kinh tế càng nặng nề hơn.  

Bu-a-a-n-ta-i-DN-jpeg-4857-1626423516.jp

Bếp ăn tại DN sản xuất tuân thủ quy định giãn cách

Về phía DN, cần chủ động xây dựng các chiến lược cắt giảm trong ngắn hạn, trung hạn với kịch bản phải giảm quy mô sản xuất, giảm nhân lực nhằm chủ động đối phó với tình huống xấu nhất là dịch kéo dài và phải chung sống lâu dài với dịch. 

Cuối cùng để sản xuất an toàn, ngành y tế phải hỗ trợ tối đa các DN đang thực hiện chủ trương “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” thông qua việc kiểm tra giám sát hoạt động phòng dịch, ưu tiên tiêm chủng, duy trì xét nghiệm định kỳ để cách ly kịp thời các trường hợp dương tính.

TP cần thành lập một tiểu ban y tế riêng để chỉ đạo hoạt động phòng chống dịch cho các DN đang thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”. Không có sự lựa chọn nào khác. Muốn thực hiện thành công mục tiêu kép thì phải ưu tiên chăm sóc y tế cho lực lượng lao động, nhân tố chính giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.

TS Võ Duy Nghi