Để sản xuất 3T, doanh nghiệp phải chủ động 3C

Doanh nhân viết - Ngày đăng : 08:10, 17/07/2021

Sau 3 ngày sản xuất trong điều kiện 3T để đảm bảo quy định phòng dịch, đã có những doanh nghiệp (DN) không theo kịp. Vậy các DN khác cần làm gì để giữ nhịp sản xuất trong lúc này? Tôi cho rằng ngoài 3T thì các DN phải chủ động 3C.
Một công ty sản xuất thép tại Bình Chánh tổ chức khu vực sinh hoạt chung cho công nhân

Một công ty sản xuất thép tại Bình Chánh tổ chức khu vực sinh hoạt chung cho công nhân

Tôi cho rằng tiêu chuẩn 3T là cần thiết nếu DN muốn duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh lây lan phức tạp như hiện nay. Bên cạnh đó, đi kèm với 3T theo tôi cần có 3C. 

C- Check. Kiểm tra. Xét nghiệm Covid-19 định kỳ. Mỗi KCN, mỗi nhà máy đều có bộ phận y tế, Sở Y tế nên có hướng dẫn và chuyển giao dịch vụ quy trình xét nghiệm nhanh cho các trạm y tế xã, phường để các đơn vị này phối hợp với DN thực hiện xét nghiệm định kỳ.

C- Combo. Chia nhỏ. Phân cấp tối đa các phân xưởng thành những nhóm nhỏ theo công đoạn, quy mô không quá 20 người. Có bức ngăn chung, cô lập vật lý, bạt che trong suốt. Khi thực hiện 3T cũng phải chuẩn bị điều kiện cho công  nhân giải trí mà vẫn đảm bảo 5K. Việc chia nhỏ như vậy sẽ sẽ xử lý khi có phát sinh lây nhiễm.

C- Comunication. Công tác truyền thông nội bộ. Truyền thông liên tục việc tuân thủ 5K, nắm bắt tư tưởng người lao động.

Khi vaccine chưa đủ độ phủ thì tuân thủ 5K là bắt buộc. Chúng ta phải xác định nhận thức của công nhân chưa thể như mong muốn khi chấp hành các quy định. Cho nên trong quá trình vừa sản xuất vừa cách ly, họ vẫn có nhu cầu giao tiếp bên ngoài, mua đồ từ bên ngoài.

Do vậy các DN chú ý công tác truyền thông nâng cao ý thức phòng dịch cho công nhân viên. Làm sao cho họ nhận thức được rằng, nếu không tuân thủ 5K thì chính bản thân họ có nguy cơ lây nhiễm và có thể ảnh hưởng đến cộng đồng DN, tổn thất rất lớn. 

Doanh nghiệp duy trì được sản xuất không chỉ duy trì sự tồn tại mà còn đón nhiều cơ hội trong thời điểm dịch bệnh

DN duy trì được sản xuất không chỉ duy trì sự tồn tại mà còn đón nhiều cơ hội trong thời điểm dịch bệnh

Khi đã cách ly 3C tốt thì cũng có thể thêm giải pháp để người lao động tập trung tuyệt đối. Ví dụ yêu cầu tất cả người lao động cài bluezone, đồng thời thu điện thoại đầu giờ sản xuất, hết giờ sẽ trả lại NLĐ để tránh sự tác động tâm lý từ bên ngoài dẫn đến không tuân thủ 5K.

Quy định vừa sản xuất vừa cách ly phải cần đảm bảo rủi ro lây nhiễm dưới 30% mới được sản xuất.  Do vậy, theo tôi, trong tất cả những gì có thể làm thì chúng ta làm những gì có thể. Tức là ngoài tuân thủ 5K mà có thể làm được gì thêm để bảo vệ sản xuất thì chúng ta chủ động làm… 

Cơ hội lớn nhất là chúng ta còn duy trì được sản xuất, vẫn có hàng, thậm chí có thể bán được giá cao. Chuỗi cung ứng đang đứt gãy, như gia vị hành, tỏi bây giờ cũng khó kiếm. Cho nên duy trì được sản xuất là duy trì sự tồn tại. Hãy nghĩ phương án làm sao duy trì sản xuất liên tục mà không bị đứt gãy.

Chúng ta vạch ra tất cả những tình huống có thể xảy ra: công nhân ở lại nhà máy có thể tụ tập với nhau thì xử lý thế nào? Khi công nhân hoang mang, dao động thì giải quyết thế nào? Thành lập đội ứng phó nhanh, xây dựng kênh truyền thông nội bộ vừa tuyên truyền chấp hành 5K, vừa nâng cao nhận thức cho người lao động thấy được ý nghĩa của việc duy trì sản xuất trong bối cảnh hiện nay và chia sẻ, động viên nhau. Lúc này nơi sản xuất là gia đình lớn thì DN cũng cần quan tâm động viên, chăm sóc đến gia đình nhỏ của từng công nhân viên.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các DN lúc này vô cùng quan trọng, giúp chúng ta hình thành mạng lưới, chia sẻ chuỗi cung ứng. Thời điểm chuỗi cung ứng dễ bị đứt quãng thì các DN nên tập trung thành các nhóm cùng ngành nghề để chia sẻ tiềm lực. Các DN liên kết với nhau bằng các nhóm Zalo, Viber, hình thành sàn giao dịch tiềm lực của các DN. 

Chúng ta cập nhật tình hình. DN có dư xe tải đã đăng ký giấy phép thông hành thì thông báo cho các DN khác để họ gửi hàng theo.

DN nào dư năng lực sản xuất thì hỗ trợ đơn vị bạn sản xuất, điều này đặc biệt có ý nghĩa với các DN đang chế biến thực phẩm trong lúc thị trường đang khan hàng.

Ở các KCN, xưởng nào bị lockdown thì các DN khác hỗ trợ sản xuất đơn hàng, cùng nhau làm để giữ chuỗi sản xuất, giữ thị trường xuất khẩu. Sự chủ động và tinh thần đoàn kết sẽ giúp cộng đồng DN vượt qua thời điểm ngặt nghèo của dịch bệnh.

(*) Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và đầu tư quốc tế CIB

Mã Thanh Danh (*)