Thừa cholesterol sẽ tăng nguy cơ đột quỵ
Sống khỏe - Ngày đăng : 09:00, 18/07/2021
TS-BS. Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh sau đột quỵ |
Theo thống kê của Bộ Y tế trong “Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể” năm 2020, cứ 10 người Việt Nam trưởng thành thì có 3 người bị thừa cholesterol. Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Hội Đột quỵ TP.HCM phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về thực trạng “Thừa cholesterol: Tăng nguy cơ đột quỵ” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề này, đồng thời kêu gọi cộng đồng kiểm soát tình trạng thừa cholesterol để phòng ngừa đột quỵ.
Trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, mỗi năm có khoảng 200.000 ca. Các thống kê cũng cho thấy, bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi đang ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội, bởi 50% người bệnh đột quỵ không thể tự sinh hoạt mà phải sống lệ thuộc vào người khác và 75% người bệnh đột quỵ không thể trở về cuộc sống bình thường.
TS-BS. Nguyễn Bá Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Cholesterol vốn là thành phần thiết yếu trong cơ thể, nhưng nếu hàm lượng cholesterol tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành mạch máu, gây xơ vữa động mạch, khiến mạch máu hẹp lại và có thể dẫn đến tắc nghẽn, từ đó gây thiếu máu não, dẫn đến đột quỵ.
Các nghiên cứu đã cho thấy, 25% ca đột quỵ liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cholesterol theo cơ chế này. Thừa cholesterol cũng gián tiếp liên quan tới 50% các ca đột quỵ đối với người tăng huyết áp, thoái hóa mạch máu nhỏ. Tóm lại, 75% các ca đột quỵ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thừa cholesterol. Tình trạng thừa cholesterol gia tăng, đồng nghĩa với việc nguy cơ đột quỵ theo đó cũng tăng”.
Tình trạng thừa cholesterol diễn ra khá âm thầm, gần như không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, cần biết nguyên nhân để chủ động phòng ngừa tình trạng này. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến thừa cholesterol: yếu tố không thay đổi được (di truyền, tuổi tác, giới tính, bệnh lý nền) và yếu tố thay đổi được xuất phát từ thói quen hằng ngày, như chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, lối sống thiếu vận động, hút thuốc lá, dùng nhiều rượu, bia và các chất kích thích khác.
Bên cạnh những nguyên nhân không thay đổi được thì mỗi người đều có thể kiểm soát tình trạng thừa cholesterol bằng các biện pháp như tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao và đặc biệt là áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học. Theo Hội Đột quỵ TP.HCM, nếu kiểm soát tốt tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể sẽ giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ.
TS-BS. Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, đột quỵ không có dấu hiệu nhận biết trước nên người bệnh không nên chủ quan mà phải chủ động trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình và những người thân yêu khỏi nguy cơ bị đột quỵ với tinh thần “Đột quỵ: Phòng để không phải trị”.