Nhiều phương án hỗ trợ vận chuyển hàng thiết yếu vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam
Trong nước - Ngày đăng : 07:50, 18/07/2021
Trên đà dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và tiến triển mạnh ở TP.HCM, lây lan sang một số địa phương lân cận - chính quyền TP và các tỉnh thành phía Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch, một trong số đó là thực hiện các trạm chốt kiểm tra, tầm soát tại cửa ngõ ra vào các tỉnh/TP.
Việc này đã gây ảnh hưởng nhất định đối với khâu vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, đồng thời gây ách tắc, ùn ứ khi các phương tiện di chuyển qua lại trên những tuyến đường ra vào các tỉnh/TP. Để giải quyết những khúc mắc trong vấn đề này, cơ quan của các Bộ - Ban - ngành đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp giải quyết.
Công bố "luồng xanh" trên toàn quốc, test nhanh có giá trị như xét nghiệm PCR
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các luồng xanh liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu tuần tới. Tuy nhiên, DN vận tải phải chịu trách nhiệm hậu kiểm thông tin, nếu khai báo không đúng sự thật sẽ bị xử lý nghiêm.
Xe cộ qua chốt kiểm soát của TP.HCM trên quốc lộ 13. Ảnh: Châu Tuấn |
Về thống nhất áp dụng các quy định y tế đối với lái xe, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh, hiện Bộ Y tế đã có công bố về hiệu lực giấy xét nghiệm theo phương pháp test nhanh và PCR là như nhau, đều có giá trị trong vòng 72 giờ, nên các địa phương cần nắm rõ để kiểm soát và tạo điều kiện cho lái xe hoạt động.
Phải đưa lái xe là đối tượng đặc biệt để ưu tiên tiêm chủng vaccine, không phải cách ly y tế bắt buộc. Tăng cường quản lý việc chấp hành các quy định vận tải, quy định phòng chống dịch của các DN vận tải, xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Những loại phương tiện được tạo điều kiện (luồng xanh) khi ra vào TP.HCM
Sở GTVT TP.HCM cho biết, loại xe được tạo luồng xanh gồm: xe ôtô chở hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản… từ các tỉnh đến TP.HCM và ngược lại. (Với loại xe này, Sở Công thương TP.HCM sẽ làm đầu mối, lập danh sách tổng hợp theo đề nghị của các DN)
Xe chở hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến TP.HCM và ngược lại, phục vụ hoạt động của các KCX, KCN. (Loại xe này do Ban quản lý KCX, KCN hoặc UBND TP. Thủ Đức và các UBND quận, huyện làm đầu mối tổng hợp danh sách)
Xe chở hàng hóa ra vào các cảng ở TP.HCM, từ các tỉnh đến TP và ngược lại. (Loại xe này do các đơn vị quản lý cảng làm đầu mối)
Xe chở hàng hóa thiết yếu, xe ôtô chở hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, KCN, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông "quá cảnh" (đi qua) TP.HCM. (Loại xe này do Sở GTVT các tỉnh, TP làm đầu mối tổng hợp danh sách)
Thêm "luồng xanh" đường thủy chở hàng hóa đến TP.HCM
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến hàng ngày giữa Bộ GTVT và 19 tỉnh thành phố khu vực phía Nam về công tác vận tải hàng hóa vào tối 16/7, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đang khẩn trương nghiên cứu triển khai “luồng xanh” đường thuỷ để tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu giữa các tỉnh miền Nam và TP.
Dự kiến từ ngày 19/7, Tổng cục sẽ triển khai áp dụng tại 63 Sở GTVT và các DN vận tải để thực hiện đăng ký và cấp trực tuyến giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách hoạt động trên các “luồng xanh”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương phải chủ động lên phương án tổ chức “luồng xanh” hàng hóa của tỉnh để triển khai tổ chức giao thông ngay khi có yêu cầu giãn cách.
TP.HCM đang nghiên cứu tận dụng tàu cao tốc để chở hàng hoá và mở "luồng xanh" đường thủy. Ảnh: Vietnamnet |
Bộ trưởng cũng giao Cục Đường thủy nội địa, Cục Đăng kiểm phối hợp, lập phương án và khẩn trương cấp phép hoạt động cho các phương tiện thủy chở thực phẩm đến TP.HCM. Hàng hóa được chở bằng tàu cao tốc đang tạm dừng phục vụ khách du lịch sẽ được lưu thông nhanh chóng, thông suốt, hạn chế tiếp xúc.
Thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập Tổ công tác Tiền phương về đảm bảo hàng hoá thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam để cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tổ công tác gồm 27 thành viên, do một đồng chí Phó tổng cục trưởng - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) làm Tổ trưởng, các tổ viên gồm đại diện lãnh đạo và công chức các đơn vị Vụ TTTN, Tổng cục QLTT, Cục Công thương địa phương, Cục Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại và Báo Công thương.
Thành viên Tổ công tác Tiền phương đang thực hiện kiểm tra tại một cơ sở cung cấp thực phẩm. Ảnh: Bộ Công thương |
Song song với đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng khuyến cáo với TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho mở cửa lại hệ thống chợ truyền thống chợ truyền thống với 3 điều kiện:
1. Chỉ bán hàng hoá thiết yếu bao gồm rau củ quả và hàng hoá tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của người dân;
2. Thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn như thực hiện 5K, phát phiếu luân phiên, đảm bảo giãn cách giữa các gian hàng, v.v...
3. Thực hiện tiêm vaccine cho tiểu thương tại các chợ truyền thống.