Doanh nghiệp thực hiện 3T không đảm bảo quy trình có thể trở thành ổ dịch
Trong nước - Ngày đăng : 06:04, 20/07/2021
Quy trình 3T nào hiệu quả nhất?
Bàn về vấn đề này trong buổi tọa đàm trực tuyến do Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, BS Lê Thành Đồng - Viện trưởng Viện Vệ sinh Ký sinh trùng Việt Nam chia sẻ: "Các DN thường cho rằng 3T là quan trọng nhất hiện tại, nhưng để thực hiện tốt 3T cần phải đảm bảo một số quy trình trước đó".
Theo BS. Đồng, điều đầu tiên mỗi DN thực hiện 3T cần làm là công tác truyền thông nội bộ, động viên tinh thần người lao động để họ nghiêm túc thực hiện mọi quy trình của 3T.
"DN phải đặt mình vào vị trí của những người lao động để hiểu được tâm trạng của họ, trong bối cảnh dịch bệnh rất nguy hiểm và các nhà máy đa số đều không có người làm. Bên cạnh đó, đi làm thì đồng lương cũng không nhiều so với việc đánh đổi nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe trước dịch bệnh. Chính vì thế, tinh thần họ là yếu tố quan trọng, niềm tin là cơ sở chính để họ có động lực sản xuất" - BS. Đồng chia sẻ.
Truyền thông nội bộ, thăm hỏi và động viên tinh thần công nhân là bước quan trọng đầu tiên khi thực hiện 3T. Ảnh: VGP News |
Tiếp đến, DN phải nhắc nhở công nhân thực hiện tốt 5K, vì nếu không thực hiện tốt 5K thì mọi bước còn lại đều không còn ý nghĩa nữa.
Thứ ba, DN nên chia nhỏ các vùng cách ly ngay trong khu thực hiện 3T thành các đội. Chẳng hạn, 10 người một đội. Khi ấy, người lao động thực hiện test Covid 7 ngày một lần. DN có thể thực hiện lấy mẫu hộp và chẳng may, nếu có ca nhiễm thì có thể cô lập vùng bị nhiễm trong các tổ hợp, tránh lây lan ra cả toàn bộ DN.
Ông Đồng hướng dẫn thêm: "Về kỹ thuật, trong quá trình thực hiện lấy mẫu test phải làm đúng quy trình, từ cách lấy mẫu đến khi xử lý các chất thải. Công nhân, người quản lý đều phải phối hợp giám sát kiểm tra. Kết quả của mẫu test thường chỉ có sau 8 tiếng, nên trong lúc chờ đợi kết quả DN phải phân chia nhóm công nhân, lên sẵn kế hoạch về việc có ca dương tính thì xử lý thế nào".
Nhà bếp cũng cần được đảm bảo đúng quy trình về an toàn phòng chống dịch cho công nhân trong khi thực hiện 3T cùng DN. Ảnh: Lao động |
Bên cạnh đó, khâu tổ chức nấu ăn và tìm nguồn cung thực phẩm cũng hết sức quan trọng. Đối với các DN có sẵn nhà bếp trung tâm thì việc phục vụ công nhân đơn giản hơn các DN không có sẵn nhà bếp. Vì vậy, trong thời gian này, các DN nên liên hệ với nhau để nương nhờ cơ sở vật chất, tránh lãng phí.
“Tất cả mọi người đều là F0 không triệu chứng"
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí Điện TP.HCM (HAMEE), Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết hiện có 63/250 DN hội viên đang thực hiện 3T. Riêng với Duy Khanh, ngay từ đầu đợt dịch thứ 4, công ty đã thành lập đội phòng chống dịch, và khi bắt đầu thực hiện 3T đã đưa ra thông điệp rõ ràng: Bất kỳ cũng là F0 không triệu chứng. Thông điệp này đã được in ra và dán lên ở những điểm nhiều người có thể thấy.
Trong quá trình thực hiện 5K ở nhà máy, những thành viên trong ban phòng chống dịch của công ty Duy Khanh liên tục nhắc nhở và theo dõi công nhân, đặc biệt trong khoảng thời gian giải lao, giờ ăn, hay khoảng thời gian lưu trú ban đêm. Công ty cũng chia người lao động thành nhiều nhóm nhỏ, và mỗi nhóm đều được đội phản ứng nhanh theo sát nhắc nhở kịp thời.
Ông Tống cho hay: “Chúng tôi nhắc mọi người tuân thủ đúng 5K để sau 14 ngày đến kỳ xét nghiệm kế tiếp mọi thứ đều ổn thỏa. Có như vậy thì đội ngũ nhân viên của chúng tôi có thể bám trụ cho dù dịch có kéo dài".
Cũng tại Duy Khanh, một số nhân viên phải ra ngoài giao dịch với ngân hàng hay mua đồ tiếp tế được sắp xếp lưu trú ở khu riêng, có lối đi phụ để ra vào nhưng vẫn phải khử khuẩn toàn thân, đặt hàng hóa trên bàn, cách xa đường đi của những người còn lại. Nhóm này cũng bị hạn chế giao tiếp với người khác hay đi vào trong xưởng.
Đứng ở góc độ Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng khi thực hiện 3T, DN nên lập một ban phòng chống Covid-19 để xử lý tình huống khẩn cấp khi có ca nhiễm, tránh gây hoảng loạn trong đội ngũ công nhân và tìm các biện pháp duy trì tinh thần lạc quan cho họ.
Ông Phương chia sẻ các DN trong Hội có sáng kiến lập một ban “đi chợ cho bạn” để vận động quyên góp ngay đội ngũ công nhân và nhân viên còn lại đang ở ngoài, nhằm ủng hộ tiền bạc, vật chất, thậm chí làm các clip văn nghệ để trình chiếu ở canteen trong giờ ăn.
"Việc động viên tinh thần rất quan trọng bởi vì anh em tuy ở lại trong nhà máy nhưng vẫn lo cho gia đình ở nhà hay các mối lo toan khác”, ông Phương nói
Cộng đồng DN đang thực hiện 3T còn một mối lo khác, đó là sự an toàn dịch bệnh ở bên ngoài, làm sao không ảnh hưởng vào nhà máy.
Theo ông Đỗ Phước Tống, ở các tòa nhà văn phòng lớn vẫn có hệ thống máy lạnh trung tâm. Giữa các phòng ban với nhau và hệ thống máy lạnh thường lan tỏa hết tòa nhà, như vậy các DN cũng phải đảm bảo an toàn trong việc phòng chống dịch. Vì việc chống dịch là của toàn xã hội chứ không chỉ riêng các DN có các nhà máy sản xuất, vì nếu chỉ một bộ phận thực hiện thì có cố gắng đến đâu cũng không ý nghĩa.
Kết cấu trong các tòa nhà văn phòng lớn thường có hệ thống máy lạnh thông suốt, vì vậy thực hiện phòng chống Covid-19 là điều rất cần thiết. Ảnh: Vinanet |
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM nói: “Nhiều DN chỉ có thể duy trì 10-20% lực lượng công nhân tham gia thực hiện 3T tại DN nhưng họ thực hiện nghiêm ngặt và chi tiết, như vậy tốt hơn nhiều so với việc làm đại trà nhưng không kỹ. Các DN cũng nên chia sẻ thông tin và trao đổi, học hỏi lẫn nhau để chia sẻ thông tin. Hiện tại, TP.HCM đang thực hiện điều này rất tốt".
DN cần tính toán thu - chi để quyết định có thực hiện 3T hay không
Trước đó, theo chia sẻ của ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) với Vietnamnet, tỷ lệ DN đáp ứng được rất là thấp. DN không kịp xoay sở với quy định đưa ra trong một thời gian ngắn như vậy. Quy định đến gây hoang mang, tốn kém chi phí lớn để thực hiện, phát sinh nhiều thứ cho DN.
“Một DN hội viên của chúng tôi có nhà máy ở Bắc Ninh và TP.HCM, trong vòng 2 tuần đã tốn gần 10 tỷ đồng chi phí cho mô hình ‘1 cung đường - 2 địa điểm’ để duy trì hoạt động”, ông Long thông tin. Từ đó, đại diện HBA kiến nghị, cần hỗ trợ một cách linh động nhất có thể cho DN trong công tác, phòng chống dịch.
Nói thêm về tính an toàn khi thực hiện 3T, ông Mã Thanh Danh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kido cho rằng trong khi thực hiện 3T thì DN cũng nên áp dụng 3C trong nội bộ nhà máy. Đó là truyền thông nội bộ (communication), control (kiểm soát chặt chẽ thực hiện 5K), và check (kiểm tra tầm soát Covid-19).
Ông Danh giải thích: Đối với truyền thông nội bộ, DN cần làm công tác tư tưởng cho anh em, cho anh em hiểu đi làm thì có thêm thu nhập và để anh em vững tinh thần và tuân thủ 5K. Đến bước kiểm soát, ngoài tạo khoảng cách cần thiết trong xưởng và khu vực ăn, cách ly phân xưởng với nhau, cần xây dựng các bạt chắn ở khu vực lưu trú, và khu vực ngủ nghỉ, chia công nhân thành nhóm nhỏ cho dễ quản lý, giám sát và có khoảng cách an toàn.
Đối với bước kiểm tra tầm soát, cơ quan chuyên môn cần phải hướng dẫn cụ thể cho DN biết cần quy định bao nhiêu ngày phải test Covid 1 lần.
Ông Phan Phúc Trường - đại diện Công ty XNK TM&DV Hướng Vang, kiêm Trưởng Ban sức khỏe CLB DNSG cũng cho rằng DN nên cân nhắc các khoản thu - chi để thực hiện đúng và đủ tất cả các khâu trong quy trình thực hiện 3T. Sau đó mới quyết định có thực hiện 3T hay là ngưng sản xuất một thời gian, 2 tuần hoặc có thể hơn nếu tình trạng dịch trở nên xấu đi, và bàn các phương án sản xuất tiếp theo khi dịch trở nên nặng hơn hoặc có diễn biến khả quan thì cũng cần có phương án cụ thể.
"DN phải chia công nhân thành những nhóm nhỏ, làm mẫu gộp của từng khu vực trong nhà máy (xưởng sản xuất lấy riêng, bếp ăn lấy riêng, kho - tiếp liệu lấy riêng), và được cho phép dùng các bộ test nhanh do Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt để test nhanh và cô lập - cách ly tại chỗ. Trong các KCN, chúng ta cũng thường xuyên nêu các mô hình mẫu thực hiện 3T, 5K hiệu quả cao và chi phí hợp lý để các DN khác học và áp dụng, đồng thời kêu gọi người lao động giữ vững tinh thần để làm việc và sinh hoạt", ông Mã Thanh Danh hiến kế. |