Việt Nam - Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về vấn đề tiền tệ
Trong nước - Ngày đăng : 06:32, 21/07/2021
Theo đó, sau cuộc họp giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ - Janet Yellen, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ra thông cáo khẳng định “sẽ thông báo cho các cơ quan Chính phủ khác của Hoa Kỳ về việc đã đạt được thỏa thuận với NHNN để giải quyết những lo ngại về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam”.
Thông cáo cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá NHNN Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục hiện đại hóa và minh bạch hơn chính sách tiền tệ cũng như khuôn khổ tỉ giá hối đoái.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (ảnh) tại buổi họp trực tuyến thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ |
Tại phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định chính sách tỉ giá của Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế.
Trong thời gian tới, cùng với tiến trình hiện đại hoá khung khổ chính sách tiền tệ, NHNN Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN cho biết các quan điểm nói trên của NHNN Việt Nam đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ chia sẻ, đồng thuận.
Tại cuộc họp, Thống đốc NHNN Việt Nam và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cùng cam kết sẽ duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiện chí nhằm tìm được giải pháp cho những thách thức chung như hỗ trợ phục hồi mạnh mẽ và toàn diện sau đại dịch.
Trước đó, hồi tháng 12/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”, lần đầu tiên gắn "mác" thao túng tiền tệ với một số nước, trong đó có Việt Nam, căn cứ vào các tiêu chí như: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen (ảnh) tại buổi họp trực tuyến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. |
NHNN Việt Nam cho biết, sau quá trình xem xét kỹ lưỡng, tại Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các nước đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ đợt tháng 4/2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng không có đủ bằng chứng để xác định Việt Nam thao túng tiền tệ.
Sau đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và NHNN Việt Nam tiếp tục trao đổi, làm việc ở cả cấp cao và cấp kỹ thuật, về chính sách tiền tệ, tỉ giá và tình hình thị trường ngoại tệ của Việt Nam.
Ngày 20/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về thỏa thuận giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chính phủ Việt Nam hoan nghênh kết quả tích cực của cuộc hội đàm trực tuyến giữa Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, cũng như thỏa thuận đạt được cùng ngày giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Hoa Kỳ liên quan đến chính sách tỷ giá. “Thỏa thuận trên đã tái khẳng định chính sách tỷ giá của Việt Nam nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, phù hợp với thực tế thị trường ngoại tệ tại Việt Nam và cam kết quốc tế của Việt Nam trong vấn đề này, với mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô và không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế,” bà Hằng cho biết. “Đây là kết quả của quá trình đối thoại và tham vấn hiệu quả trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau giữa các cơ quan liên quan của hai nước. Kết quả này cũng mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19,” bà Hằng nhấn mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại xây dựng với phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ngày càng ổn định và bền vững, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước. |