Thắt chặt quy định IPO ở nước ngoài, Trung Quốc muốn gì?
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 26/07/2021
Lo ngại an ninh mạng?
Các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, nếu đang nắm giữ dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng, phải được đánh giá an ninh mạng trước khi niêm yết tại các quốc gia khác, do lo ngại nguy cơ dữ liệu và thông tin cá nhân bị chính phủ các nước tìm cách “gây ảnh hưởng, kiểm soát và khai thác một cách ác ý”, theo tuyên bố từ Bắc Kinh. Đánh giá an ninh mạng cũng sẽ xem xét đến các rủi ro an ninh quốc gia từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài.
Động thái ấy được xem là một trong những bước đi cụ thể được thực hiện gần đây nhằm hạn chế khả năng các hãng công nghệ Trung Quốc huy động vốn tại thị trường Mỹ thông qua mô hình sở hữu đặc biệt (Variable Interest Entity - VIE) - một cấu trúc kinh doanh hợp pháp, trong đó một nhà đầu tư kiểm soát mà các tập đoàn công nghệ lớn, từ Alibaba đến Baidu, Didi vốn rất ưa thích.
Các hãng công nghệ Trung Quốc như Didi đang bị “dằn mặt” khi muốn IPO tại Mỹ |
Các nhà quản lý cũng đang xem xét việc Alibaba, vốn đã niêm yết cổ phiếu công khai ở các thị trường quốc tế, phải được sự phê duyệt về quy định an ninh mạng trước, nếu muốn thực hiện các đợt chào bán cổ phần bổ sung ở nước ngoài.
Cơ quan quản lý đang lấy ý kiến phản hồi về các quy tắc được đề xuất này trước khi chính thức triển khai, sẽ áp dụng cho các quốc gia cụ thể nằm trong danh sách bị hạn chế như Mỹ. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 37 công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ và huy động được 12,9 tỷ USD, trong khi cả năm 2020 chỉ huy động được 12 tỷ USD.
Feng Chucheng - chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Plenum ở Bắc Kin, cho biết: “Những quy định này sẽ thúc đẩy nhiều công ty Internet Trung Quốc buộc phải niêm yết ở Hồng Kông thay vì ở một quốc gia khác, để không cần phải xin phép phê duyệt các quy định về an ninh mạng. Ngưỡng 1 triệu người dùng theo đề xuất là rất thấp và về cơ bản mọi công ty Internet muốn IPO đều bị vướng phải rào cản này".
Chủ yếu nhắm vào Mỹ?
Có thể thấy các nhà chức trách tại Bắc Kinh đã nhắm đến các công ty đang niêm yết ở nước ngoài, sau khi ứng dụng gọi xe lớn nhất trong nước là Didi đã đẩy nhanh việc niêm yết tại thị trường Mỹ, mặc dù trước đó ba tháng đã bị yêu cầu phải trì hoãn kế hoạch này. Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cho biết luật về niêm yết ở nước ngoài sẽ được sửa đổi, trong khi các công ty niêm yết công khai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc giữ an toàn cho dữ liệu của họ.
Giới phân tích nhận định, việc nhà chức trách ở Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với các công ty muốn niêm yết ở nước ngoài là nhằm tách rời các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường vốn ở Mỹ.
Trước đó, khi Didi quyết định lên sàn ở Mỹ, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã yêu cầu các kho ứng dụng trong nước gỡ ứng dụng Didi Global trên nền tảng của họ, với cáo buộc Didi đã thu thập dữ liệu người dùng trái phép. Sự kiện này diễn ra chỉ hai ngày sau khi Didi có đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 4,44 tỷ USD trên sàn New York. Thành lập năm 2012, Didi hiện có 493 triệu người dùng thường xuyên và trung bình thực hiện 20 triệu chuyến xe mỗi ngày ở Trung Quốc.
Trước tình hình này, một số công ty từng lên kế hoạch niêm yết tại New York đã buộc phải rút lại kế hoạch IPO, ngay cả trước khi các đề xuất trên được công bố bởi Chính phủ Trung Quốc. Đơn cử như hãng LinkDoc Technology Ltd., có trụ sở tại Bắc Kinh, đã trở thành công ty đầu tiên phải tạm hoãn IPO sau những thay đổi mới được đề xuất. Tiếp đó, có thông tin cho rằng ứng dụng thể dục Keep của Trung Quốc và công ty khởi nghiệp về Meicai đều đã hủy bỏ kế hoạch niêm yết tại Mỹ.
Những quy định mới cũng có thể ảnh hưởng đến các hãng công nghệ lớn khác của Trung Quốc như chủ sở hữu TikTok là ByteDance Ltd., công ty giao nhận và hậu cần theo yêu cầu Lalamove cũng đang xem xét kế hoạch IPO trong thời gian tới.
Giới phân tích nhận định, việc nhà chức trách ở Bắc Kinh thắt chặt quy định đối với các công ty muốn niêm yết ở nước ngoài là nhằm tách rời các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường vốn ở Mỹ. Năm 2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng từng có chính sách hạn chế dòng vốn nhà đầu tư Mỹ rót vào các công ty Trung Quốc. Có thể thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng tìm cách tránh phụ thuộc lẫn nhau.